Kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp) từ năm 2010 với mức thu nhập trung bình đầu người 1.068USD, năm 2013 là 1.960USD.
Đây là khẳng định của GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy Viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo "Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam" vừa diễn ra sáng 15-4 tại Hà Nội.
Chương trình do Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc đề ra các chủ trương, đường lối để tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam.
Bẫy thu nhập trung bình là một tình trạng trong phát triển kinh tế, khi mà một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) sẽ dậm chân tại mức thu nhập đó.
Bẫy thu nhập trung bình xẩy ra khi một quốc gia phát triển chững lại hay thậm chí là trì trệ sau khi đã đạt được mức thu nhập trung bình. Vấn đề này thường nẩy sinh với các nền kinh tế đang phát triển khi mức lương tăng lên trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hoá giảm xuống, khó có thể cạnh tranh với các nền kinh tế đã phát triển về công nghệ hiện đại, hay với các nền kinh tế có mức lương thấp hơn trong việc sản xuất hàng hoá giá rẻ.
Trạng thái bẫy thu nhập trung bình là một tình huống mang tính "tiến thoái lưỡng nan" trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, có khả năng làm giảm hiệu quả của các nỗ lực nhằm phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Có không ít quốc gia gặp phải tình trạng này và trở thành những tình huống cảnh báo đối với các quốc gia khác trong điều hành kinh tế.
Theo GS.TS Vương Đình Huệ, từ giữa thế kỷ XX (1950) đến 2010, trong số 124 nền kinh tế trên thế giới được đánh giá bởi World bank (WB), có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thì đã có 35 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình, trong đó có 30 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Và chỉ có 13 trong số 52 nền kinh tế vượt qua được bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập cao. Trong đó có 5 nền kinh tế ở Đông Á và Đông Nam Á là Nhật Bản, Hồng Công, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore.
Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm quý báu về đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội vào những năm 1980 để bước vào thời kỳ bắt đầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vào những năm 1990. Có thể nói đây là bước tiến quan trọng trong nhận thức về phát triển kinh tế đất nước trong quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Từ nhận thức đúng, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến quan trọng mặc dù gặp phải các cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á vào năm 1997 và khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới năm 2008.
Cũng theo Theo GS.TS Vương Đình Huệ, Kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp) từ năm 2010 với mức thu nhập trung bình đầu người là 1.068SD, năm 2013 là 1.960SD. Tốc độ tăng trưởng khá cao (giai đoạn 1986-1990, tốc độ tăng GDP bình quân 4,4%/năm, giai đoạn 1991-2000, GDP tăng 7,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 là 7,3%/năm.
Năm 2011-2013 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vẫn đạt 5,6%/năm). Việt Nam, cũng như các nước khác khi đạt được mức thu nhập trung bình đều quan tâm đến nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình liên quan đến các chỉ số về tốc độ tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động và năng suất tổng hợp; chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các chỉ số xếp hạng toàn cầu của quốc gia…
"Để phát triển nhanh và bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển trở thành quốc gia có thu nhập cao trong tương lai đang là vấn đề được quan tâm sâu sắc không chỉ đối với Đảng, nhà nước ta nói chung mà còn đối với cán bộ hoạch định chính sách và các nhà khoa học" - GS.TS Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, những vấn đề lý luận - thực tiễn về tránh bẫy thu nhập trung bình, kinh nghiệm của các nước đi trước đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình; nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình và những gợi ý chính sách về định hướng, giải pháp để Việt Nam có thể tránh và vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã được các diễn ra, chuyên gia đưa ra bàn luận.
Hy vọng, qua hội thảo, Ban tổ chức sẽ có được bức tranh tương đối đầy đủ, toàn diện những luận cứ khoa học cả về lý luận và thực tiễn về ; nắm bắt được những nguyên nhân tạo nên bẫy thu nhập trung bình và kinh nghiệm, giải pháp của một số nước đi trước đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình; đánh giá chính xác, khách quan nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Từ đó, bước đầu có những đề xuất và gợi mở các giải pháp khả thi để Việt Nam có thể tránh và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.