Sự kiện còn có sự tham gia của trên 700 đại biểu là đại diện doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 14 tỉnh thành miền Trung. Hội nghị tập trung bàn luận, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, đưa ra các giải pháp căn cơ để miền Trung bứt phá đi lên, phát triển bền vững.
Thiếu “nhạc trưởng”
Báo cáo tham luận của Bộ KH-ĐT đã nêu rõ được các tiềm năng lợi thế của 14 tỉnh thành miền Trung, trong đó có thế mạnh về du lịch biển, du lịch biển đảo, kinh tế biển, cảng biển, khả năng kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến hàng hải quốc tế ở biển Đông… Miền Trung có “rừng vàng, biển bạc”, hội đủ những yếu tố để trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan mà các tỉnh thành miền Trung vẫn chưa thể khai thác hết thế mạnh của mình. Nền kinh tế nhìn chung vẫn còn lẻ mẻ, rời rạc, thiếu động lực phát triển. Sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương vẫn còn rời rạc, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, còn mang tính hình thức. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung vẫn chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế miền Trung đi lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo triển khai lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch; trong đó làm rõ định hướng, phương án phát triển vùng KTTĐ miền Trung, vùng duyên hải miền Trung gắn với Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông - Tây, phù hợp với các quy hoạch quốc gia.
Hiện miền Trung vẫn đang thiếu “nhạc trưởng”, cần xác định phát triển miền Trung theo hướng đa trung tâm, gắn vị trí của từng địa phương trong mối liên kết ở khu vực với Tây Nguyên và các nước trong tiểu vùng sông Mê Công; quan tâm, đầu tư hoàn thiện tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên) và tuyến đường ven biển nối các tỉnh miền Trung; đường “xương cá” giữa miền Trung - Tây Nguyên, khai thác tiềm năng tiểu vùng sông Mê Công...
Khát vọng đột phá
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, miền Trung như là “xương sống” của đất nước, như “chiếc đòn gánh” của 2 đầu đất nước. Nếu 2 đầu quá nặng mà “đòn gánh” yếu thì sẽ gãy. Thủ tướng đánh giá rất cao khát vọng, tinh thần vươn lên của các tỉnh thành miền Trung trong thời gian qua đã biến một dải đất nghèo khó, hoang hóa, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai dần được vực dậy, hình thành các đô thị, khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp tầm cỡ, nhiều “sếu đầu đàn” đến đậu, làm tổ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Động lực phát triển chung còn yếu, thiếu bền vững. Nhiều địa phương cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm, vẫn chưa rõ được hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển. Nhiều tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều địa phương chưa định nghĩa được vai trò, lợi thế ngành kinh tế biển đem lại…
Qua đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương miền Trung quán triệt tinh thần: Đứng trước vận hội mới của đất nước trong vòng 10-15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm sớm trở thành địa bàn có nền kinh tế - xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước. “Miền Trung phải xốc tới, miền Trung có đủ điều kiện để phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn với một tinh thần “ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu miền Trung cần vận dụng chiến lược kinh tế biển, trong đó tập trung vào 5 trụ cột kinh tế. Đó là ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Thứ hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. Thứ ba là cảng biển và các dịch vụ logistics. Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
Trong phát triển, miền Trung cần tránh tình trạng phát triển giẫm chân nhau, triệt tiêu nhau. Miền Trung phải có liên kết vùng và thể chế phát triển vùng; trong đó, vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung phải rõ hơn, phải có một thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực, khai thác được thế mạnh biển, rừng. Phải tính toán, nghiên cứu để có kiến nghị cụ thể, tạo ra được một nghị quyết, quyết định để phát triển chung, bền vững; phải xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là “đất lành chim đậu”.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng phải tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thành công kế hoạch năm 2019, 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020. “Không chỉ lo vấn đề kinh tế mà còn quốc phòng, an ninh và xã hội”, Thủ tướng nói và yêu cầu các tỉnh thành miền Trung đổi mới triệt để tư duy phát triển, luôn lấy phát triển vùng, lợi ích vùng làm ưu tiên trong quá trình hoạch định chính sách phát triển, trong lựa chọn từng dự án đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi lãnh đạo của các tỉnh miền Trung cần tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong toàn vùng, từng địa phương, từng doanh nghiệp, người dân. Trong đó, phát triển phải hướng đến hội nhập quốc tế sâu rộng. Tự nghiên cứu, có những ý tưởng phát triển mới, táo bạo, đặc biệt phải tìm ra được thế mạnh rõ nét, đặc thù của địa phương để phát triển, chủ động phối hợp chặt chẽ các bộ ngành để phối hợp, tháo gỡ các vướng mắc.