(ĐTTCO) - Kinh tế 2016 được dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng năm 2015, tăng trưởng GDP có thể cao hơn 0,1-0,2% so với năm trước, ước đạt 6,8-7%. Nhưng để đạt được tăng trưởng bền vững, nền kinh tế phải vượt qua nhiều thách thức như tăng trưởng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, biến động tỷ giá, thâm hụt ngân sách lớn, khu vực tư nhân yếu ớt… Vấn đề này được các chuyên gia kinh tế mổ xẻ tại hội thảo quốc gia về triển vọng phát triển kinh tế diễn ra tại Hà Nội ngày 13-1.
Những thách thức
Thách thức đầu tiên được đặt ra là nền kinh tế đang tăng trưởng dựa vào DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi khu vực tư nhân trong nước lại quá yếu ớt. Những năm qua, DN FDI đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng, đóng góp 18-20% GDP cả nước. Đây là khu vực đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu, chiếm 70% giá trị xuất khẩu và 60% giá trị nhập khẩu cả nước. Hiệu quả kinh doanh mang lại của DN FDI vượt trội so với khu vực trong nước. Tuy nhiên, nghịch lý là có tới 60% đầu tư của khu vực FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng công nghệ sử dụng tại các DN FDI phần lớn là trung bình (80%), công nghệ cao chỉ 6%. Do vậy sức lan tỏa về công nghệ của khu vực FDI rất thấp. Mặt khác khu vực FDI chỉ tạo việc làm cho 5% lao động trong nước.
TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định khi để FDI đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi của nhà đầu tư FDI. Đó là đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, cụ thể là chuỗi giá trị Đông Á do các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đứng đầu mạng sản xuất khu vực này. Hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua phần lớn là phụ tùng, nguyên phụ liệu, máy móc chiếm 90% giá trị nhập khẩu. Với mạng lưới sản xuất toàn cầu do các nhà đầu tư FDI thiết lập, Việt Nam thường ở vị trí cuối cùng của chuỗi nên giá trị gia tăng thấp.
Thách thức tiếp theo là tình trạng nhập siêu quay trở lại thời gian qua đang phản ánh nền tảng tăng trưởng, cấu trúc hàng hóa xuất nhập khẩu không có nhiều cải thiện. Nhập khẩu 30% hàng hóa từ Trung Quốc, cho thấy hàng hóa xuất khẩu trong nước vẫn phụ thuộc vào các quốc gia khác. Nhập siêu gia tăng sẽ gây sức ép tỷ giá, tạo tác động tâm lý khiến tình trạng đô la hóa trở lại. Nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định sức ép tỷ giá sẽ gia tăng trong năm 216. Trong khi đó, dư địa chính sách đã suy giảm, việc giữ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm gia tăng chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng. Khi NHNN phải sử dụng quỹ trự dữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá, dư địa giữ tỷ giá ổn định những năm qua đã suy giảm.
DN phải cải cách
Phân tích những thách thức của nền kinh tế trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng trong xu thế các đồng tiền như yên Nhật, rúp Nga tiếp tục mất giá 3-5%, đặc biệt NDT của Trung Quốc mất giá 7% so với USD đang tạo ra áp lực lên chính sách tỷ giá. Bên cạnh đó những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đáng lưu ý, nền kinh tế Trung Quốc năm 2015 đã giảm tốc khi chỉ tăng trưởng khoảng 6,7-6,8%, năm 2016 dự báo giảm xuống 6,3%. Nếu Trung Quốc giảm 1% tăng trưởng, kinh tế Việt Nam sẽ giảm 0,2% tăng trưởng.
2015 được đánh giá là năm thành công trong hội nhập, Việt Nam đã ký kết thêm 2 hiệp định thương mại tư do (FTA) với Hàn Quốc và EU, kết thúc đàm phán TPP. Bên cạnh những thuận lợi về mở rộng thị trường xuất khẩu, việc tham gia các FTA thế hệ mới này cũng mang đến thách thức về hụt thu ngân sách. Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết trong 10 cam kết FTA đã ký kết và tham gia, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ từ 88% các dòng thuế trở lên. Dù các cam kết xóa bỏ thuế được thực hiện theo lộ trình nhưng nó vẫn mang đến các thách thức cho cân đối thu chi ngân sách. Hiện Bộ Tài chính đang tính phương án thu bù do giảm thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu khi Việt Nam tham gia các FTA.
DN trong nước phải nỗ lực vươn lên để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu rộng lớn, với thuế quan ưu đãi các FTA mang lại. |
Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường, hàng hóa trong nước đối mặt với sự canh tranh từ các DN nước ngoài là điều không tránh khỏi. Đây cũng là động cơ để DN trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh, cải tổ sản xuất, cải tiến quản trị DN. Để tham gia vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU các DN trong nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa khắt khe như vấn đề đảm bảo vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm. Muốn tham gia các thị trường này, DN buộc cải cách. Trong đàm phán, ký kết các FTA, Chính phủ đã tính đến các ngành thua thiệt và có định hướng điều chỉnh về lâu dài. Nguyên tắc tham gia các FTA là cân đối giữa lợi ích và tổn thất thì lợi ích vẫn lớn hơn. Thách thức hội nhập kinh tế quốc tế ở đâu cũng gặp, không sớm thì muộn. Vấn đề là DN trong nước phải nỗ lực vươn lên để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu rộng lớn, với thuế quan ưu đãi các FTA mang lại.
Cũng theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, bảo hộ nền sản xuất trong nước giờ không thể áp dụng các biện pháp thô thiển như trước đây, không thể áp dụng giấy phép nhập khẩu vô tội vạ. Muốn bảo hộ sản xuất trong nước phải thiết kế các hàng rào kỹ thuật đảm bảo không vi phạm cam kết FTA mà vẫn bảo đảm lợi ích DN.