Thời buổi khủng hoảng kinh tế, ai nấy thắt lưng buộc bụng, kinh doanh buôn bán khó khăn, thế nhưng thị trường hàng xa xỉ lại ăn nên làm ra với quy mô ước tính đạt tới 1.500 tỷ USD trong năm nay.
![]() |
Kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, |
Thị trường xa xỉ phẩm dự kiến đạt tới quy mô 1.500 tỷ USD trong năm nay, gần bằng tổng sản lượng kinh tế của Tây Ban Nha hoặc Australia. Hàng hóa và dịch vụ xa xỉ thắp lên một điểm sáng hiếm hoi trên thị trường hàng tiêu dùng.
Trong đó, lục địa già châu Âu đại diện cho 70% ngành công nghiệp xa xỉ phẩm trên toàn thế giới, bao gồm cả thực phẩm và thức uống cho người sành ăn. Tầng lớp giàu có ngày càng gia tăng cấp bậc - đặc biệt tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil - đi kèm với nhu cầu tìm kiếm các biểu tượng thể hiện đẳng cấp giàu sang.
Tuy nhiên, ngay trong thị trường cao cấp cũng dần dần có sự chuyển biến, dòng tiền đổ vào kênh trải nghiệm xa hoa (như spa và safari) bắt đầu tăng nhanh hơn so với kênh hàng hóa hữu hình.
Trong năm 2011, chi tiêu cho những trải nghiệm xa hoa đã tăng trưởng nhanh hơn 50% so với chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ. Công ty Tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) dự báo thị trường cao cấp sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, tuy giảm so với tốc độ tăng trưởng 12% của 2 năm vừa qua nhưng vẫn khá ổn nếu so với mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sự tăng trưởng thị trường xa xỉ trong lúc khủng hoảng nợ công châu Âu lan rộng và kinh tế toàn cầu ảm đạm, đã cho chúng ta thấy rõ ràng số lượng triệu phú đô la mỗi năm mỗi tăng, đồng thời khoảng cách bất bình đẳng thu nhập ngày càng nới rộng. Ước tính của BCG cho biết các triệu phú chiếm tới 45% thị trường xa xỉ phẩm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi sự bành trướng của thị trường cao cấp có thể duy trì được bao lâu nữa trong bối cảnh các nước châu Âu chìm trong khủng hoảng kinh tế và tài chính, còn Hoa Kỳ đang hồi phục một cách mong manh. Ngay cả Trung Quốc - nơi bùng nổ những tay nhà giàu mới - cũng đang tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Doanh số bán lẻ của Hồng Công trong tháng 4 đã bắt đầu sa sút, mà một trong những lý do chính là vì du khách từ Trung Quốc đại lục giảm mua sắm xa hoa, nhà kinh tế Donna Kwok của HSBC cho biết. Dù vậy, một số chuyên gia vẫn kỳ vọng tầng lớp nhà giàu mới của Trung Quốc sẽ tiếp tục bị quyến rũ bởi mác hàng hiệu chứng tỏ đẳng cấp.
BCG ước tính đến năm 2020, số lượng tầng lớp trung lưu Trung Quốc có thu nhập bình quân hàng năm trên 9.400USD sẽ tăng gấp 3 lần lên 140 triệu người và dự đoán 330 thành phố Trung Quốc sẽ vượt quá GDP bình quân đầu người của Thượng Hải ngày nay.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh xu hướng nhu cầu trải nghiệm cao cấp ngày càng tăng, chẳng hạn những kỳ nghỉ theo kiểu “nhất dạ đế vương” hoặc những cuộc đấu giá nghệ thuật, đều ngốn nhiều tiền bạc. Thị trường trải nghiệm cao cấp trị giá tới 770 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng thị trường xa xỉ phẩm, và đang phát triển với một tốc độ nhanh hơn.
Nếu như yêu cầu đối với món hàng hữu hình (chẳng hạn chiếc đồng hồ Rolex) có thể như nhau dù ở Bắc Kinh hay Zurich thì với món hàng vô hình, sự mong đợi đối với các dịch vụ là rất khác nhau tùy từng nơi trên thế giới. Đây là thử thách lớn nhưng đồng thời cũng là mỏ vàng cho các nhà kinh doanh xa xỉ phẩm khai thác.