20 năm đợi chờ
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) qua 7 quận huyện, gồm Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Chánh.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32,7km với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng; triển khai bằng nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách TP.
Từ năm 2002 giai đoạn 1 của dự án đã thực hiện các công tác như giải phóng mặt bằng; thi công nạo vét kênh thông tuyến dòng chảy; đắp bờ đất 2 bên kênh; xây dựng các cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh. Giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc vấn đề vốn, nên giai đoạn 2 của dự án bị ngưng trệ nhiều năm nay.
Sau khi giai đoạn 1 kết thúc, hàng loạt hạng mục của dự án bị dở dang. Do không tiếp tục thi công nên 2 bên bờ kênh - phần lớn đã giải phóng mặt bằng - cỏ mọc um tùm, nhiều nơi trở thành chỗ đổ rác thải của người dân trong khu vực. Dòng kênh trở lại một màu đen đặc quánh, mùi hôi nồng nặc.
Ông Nguyễn Văn Bình, một người dân ở phường 14, quận Gò Vấp, nơi có dòng kênh đi qua, chia sẻ dòng kênh lâu ngày không được nạo vét, hệ thống tiêu thoát nước cũng không hiệu quả nên bị ô nhiễm rất nặng. Bà con đã sống chung với cảnh này hơn 20 năm nay, nên rất mong chính quyền TP mau chóng triển khai lại dự án để hồi sinh dòng kênh đen, đem lại môi trường sống tốt hơn cho người dân. Như vậy, sau gần 20 năm chờ đợi, giấc mơ xanh hóa dòng kênh dài nhất của người dân đã dần thành hiện thực.
Cải tạo môi trường, kết nối giao thông
Mục tiêu, nhiệm vụ lớn nhất của dự án là tiêu thoát nước khoảng 14.900ha của khu vực xung quanh, chống ngập cho khu vực trung tâm và khu vực phía Tây Bắc TPHCM. Nhiệm vụ thứ 2 là đảm bảo hệ thống thoát nước dọc theo 2 bên kênh, đảm bảo chất lượng nước sau khi nạo vét, phục hồi.
Ngoài xử lý vấn đề nước thải, dự kiến giai đoạn 2, dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên còn xây dựng bờ kè bê tông, đường giao thông 2 bên bờ kênh dài 63,41km, xây dựng đường rộng 7-12m, vỉa hè 2 bên rộng khoảng 3m và 3 cầu dọc tuyến, cây xanh cảnh quan...
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khảo sát dòng kênh. |
Hiện nay, các trục giao thông đi qua khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP đều trở nên quá tải, như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý… Trong khi đó, đường ven kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ kết nối liên vùng (các tỉnh miền Tây kết nối với các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh), có thể chia sẻ lưu lượng giao thông từ hướng Nam TPHCM, các tỉnh miền Tây đi về hướng khu vực Tây Bắc, như Củ Chi, Hóc Môn hay ra Thủ Đức… Dự kiến phương án cho các xe tải có tải trọng nhẹ, ô tô, xe máy được phép di chuyển vào trục đường ven kênh.
Sáng 23-2, giai đoạn 2 của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được khởi công, với sự tham dự của các lãnh đạo cao nhất của TPHCM, cho thấy sự quan tâm, quyết tâm của lãnh đạo TP đối với dự án, với mục tiêu hoàn thành dịp 30-4 -2025.
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư), cho biết với chiều dài gần 33km, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là tuyến kênh dài nhất TPHCM, chảy qua 7 quận huyện. Vì thế, khi tuyến đường ven kênh hoàn thành sẽ giúp hình thành trục động lực phát triển phía Tây TPHCM, hạn chế tình trạng kẹt xe khu vực nội thành.
Theo ông Hoàng Anh, dự án nạo vét toàn tuyến kênh dài với chiều rộng kênh 30-40m, sâu 4-5m. Bên cạnh đó, với 12 bến thuyền dọc theo tuyến được xây dựng, sẽ góp phần hình thành trục giao thông thủy kết nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ qua cửa ngõ đường thủy Long An, đồng thời kết nối với các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh. Trên tuyến cũng được xây 19 cống thoát nước, 3 cây cầu cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, việc triển khai thi công, hoàn thành dự án chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho hạ tầng đô thị TP, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực, hình thành tuyến giao thông đường thủy.
Theo ông Phan Văn Mãi, UBND TPHCM đã chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch chi tiết, triển khai nhanh, hiệu quả và phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2025, chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở ngành TP tập trung phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án. UBND các quận, huyện có liên quan tiếp tục đẩy mạnh vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.
“Chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng huy động nhân lực, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu để đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Sau gần 20 năm chờ đợi, giấc mơ xanh hóa dòng kênh dài nhất của người dân TPHCM đang dần thành hiện thực.