“Nước cờ cao tay” của Moscow
Sau khi bị Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cấm vận dầu, Nga sẵn sàng chấp nhận mức giá thấp hơn và khó có thể cắt giảm khối lượng, miễn là mức trần giá vẫn cao hơn chi phí sản xuất.
Đặc biệt, dưới áp lực các lệnh trừng phạt, Nga đã chơi “nước cờ cao tay”, khi nhanh chóng chuyển hướng các chuyến hàng dầu thô từ các nước phương Tây sang các thị trường thay thế ở châu Á, trong khi giá dầu toàn cầu tăng cao đã thúc đẩy doanh thu.
Ước tính, giá dầu thế giới cao hơn đã thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu của Nga tăng khoảng 35 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 3 đến 12-2022 so với giai đoạn tương ứng năm 2021. Trong đó, dầu thô chiếm khoảng 19 tỷ USD và các sản phẩm dầu tinh chế chiếm 16 tỷ USD.
Nga đã xuất khẩu dầu thô sang các thị trường thay thế, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. 2 quốc gia này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đã “thế chân” EU, trở thành khách hàng mua dầu thô quan trọng nhất của Moscow và chiếm 2/3 lượng xuất khẩu của nước này trong quý IV-2022 so với chưa đến 1/3 trong quý I-2022.
Theo dữ liệu do Reuters công bố hôm 21-4, các công ty dầu mỏ Trung Quốc đang mua thêm dầu thô của Nga. Thống kê cho thấy, trong tháng 3, tổng lượng dầu thô nền kinh tế số 1 châu Á nhập từ Nga đã tăng lên mức kỷ lục 9,61 triệu tấn, tương đương 2,26 triệu thùng mỗi ngày.
Ngoài ra, trong tháng 4 này, riêng lượng dầu Urals Moscow xuất sang quốc gia Đông Bắc Á cũng đang trên đà phá vỡ kỷ lục của tháng 3 khi nhiều nhà máy lọc dầu bắt đầu mua dầu thô từ vùng Baltic. Ước tính, mỗi ngày Nga chuyển khoảng 700.000 thùng dầu Urals sang Trung Quốc, tăng hơn 100.000 thùng/ngày so với tháng 3.
EU, G7 mua dầu của Nga qua các nước trung gian
Ngoài việc áp đặt lệnh cấm vận, EU, G7 và các nước đồng minh còn giới hạn giá trần 60USD/thùng đối với dầu của Nga. Các hạn chế tương tự cũng được đưa ra đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Thế nhưng, tờ The Independent dẫn báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch của Phần Lan (CREA), cho biết EU vẫn là nhà nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ lớn nhất từ Nga, bất chấp lệnh trừng phạt của chính họ áp đặt lên Moscow.
Theo đó, EU đã gián tiếp nhập khẩu dầu Nga từ các quốc gia trung gian, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Singapore.
Lượng dầu thô 5 quốc gia trên nhập từ Nga đã tăng hơn 140% về khối lượng so với thời điểm trước xung đột Ukraine, với tổng giá trị nhập khẩu tăng lên 74,8 tỷ EUR. Xuất khẩu dâu thô từ các nước này sang phương Tây đã tăng 80% về giá trị và 26% về khối lượng.
Tính chung, "liên minh giá trần" gồm EU, Australia và hầu hết quốc gia G7, đã nhập khẩu tổng cộng 45,9 tỷ USD sản phẩm dầu từ 5 quốc gia trên trong 12 tháng, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraina.
Cho tới nay, dù bị phương Tây áp lệnh cấm vận và trần giá, Nga vẫn giữ được “phong độ” xuất khẩu dầu, chuyển hướng dòng "vàng đen" sang các thị trường thay thế, phần nào “né” được trừng phạt.
Những nỗ lực của Moscow đã phát huy tác dụng. Sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của các lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây đối với Nga. Song việc phương Tây mua dầu của đối tượng mà chính họ đã cấm vận, vẫn sẽ là câu chuyện thu hút được sự quan tâm của dư luận.