Trích hết phát biểu của bộ trưởng ắt sẽ tốn nhiều thời gian. Song, có lẽ phần khiến dư luận phản ứng gay gắt là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường Đại học Y Dược TPHCM, chưa thể gọi là “đại học” được. Việc này Bộ GD-ĐT cũng đã góp ý rồi.
Nhà trường vẫn chưa sửa lại tên gọi là Đại học Y Dược TPHCM, nên hôm nay nói là lễ khai giảng khoa y, trong khi trường còn rất nhiều khoa khác. Nhà trường phải sớm đổi tên thành Đại học Sức khỏe TPHCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác… Hiện nay trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Trường ĐH Y Dược TPHCM là trường lớn nhất, có thể phát triển thành Đại học Sức khỏe sớm nhất....
Nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia. Tôi đề nghị nhà trường nhanh chóng làm đề án thành lập Đại học Sức khỏe TPHCM. Theo tôi, nhà trường chỉ việc đổi tên và lắp người vào thôi chứ vị trí đều quá chuẩn. Khoa Y này xứng đáng là một trường đại học y khoa lớn nhất cả nước”.
Có thể khẳng định, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế chẳng có gì sai. Thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay rất nhiều trường đại học, thậm chí nhiều cơ quan truyền thông vẫn viết sai khi thiếu chữ “trường” phía trước. Nếu dùng tên “Đại học...” thì chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và 3 đại học vùng: Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên. Tất cả trường còn lại đều phải gắn chữ “trường đại học...”. Những quy định này đều được luật định rất rõ.
Theo quan điểm của vị bộ trưởng y tế, “phải đổi tên Trường Đại học Y Dược TPHCM thành Đại học Sức khỏe TPHCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác” nhưng cũng là yêu cầu, đề nghị với tư cách người đứng đầu cơ quan chủ quản. Còn việc có đổi tên được hay không còn phải tùy thuộc vào cấp cao hơn. Trên thế giới người ta đã và đang phát triển các trường theo hướng đa ngành, liên ngành tổng hợp để phát huy sức mạnh nội lực trong đào tạo lẫn nghiên cứu.
Rất nhiều đại học ở châu Âu, châu Mỹ... mà bên trong đó là hàng loạt trường chuyên ngành từ khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ cho đến sức khỏe... Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia, nhà trường chỉ việc đổi tên và lắp người vào thôi chứ vị trí đều quá chuẩn”, là có phần chủ quan.
Thực tế cho thấy, muốn phát triển thì không thể không học hỏi những chuẩn mực, xu thế của thế giới, cả hình thức lẫn nội dung, ngay cả những việc tưởng là nhỏ, như tên gọi. Cách viết tên của nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay phiên ra tiếng Anh rất lung tung, cẩu thả. Thậm chí có trường có thể viết được cả chục tên tiếng Anh khác nhau. Trong thực tế đã có nhiều tác giả Việt Nam đã bị các tạp chí quốc tế loại bài vì viết không đúng tên trường.
Chất lượng giáo dục đại học không chỉ từ việc đổi tên gọi, nâng cấp hay mở rộng quy mô số lượng. Bởi, chất lượng giáo dục đại học là sự tổng hợp, liên kết chặt chẽ của rất nhiều yếu tố, như vấn đề tự chủ, tài chính, giáo trình, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng...
Chúng ta muốn có đại học tầm cỡ thế giới thì không phải chỉ có danh xưng mà phải được thế giới biết đến với sức hút của trường đó về danh tiếng học thuật, các công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ, những giáo sư tầm cỡ, chương trình đào tạo hiện đại... Và để đạt được chất lượng quốc tế trong giáo dục đại học không thể chỉ trong ngày một ngày hai mà nó phải qua cả một quá trình, cả một chủ trương lẫn chính sách ở tầm quốc gia.
Do đó, một đại học hay trường đại học có chất lượng thật sự, danh tiếng thật sự thì không thể đơn giản bằng những phát biểu hay ý kiến chủ quan của một cá nhân. Một khi chúng ta có quyết tâm ở tầm vĩ mô, có những quyết sách, cách làm đúng như quốc tế đã làm thì việc có trường đẳng cấp quốc tế, chất lượng tầm quốc tế chỉ là thời gian.
Và minh chứng rõ nhất là từ Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, rồi đến Nghị quyết 77 cho 23 trường thí điểm tự chủ... đến nay chúng ta đã có trường tốp 1.000 của thế giới, tốp 500 của châu Á trên các bảng xếp hạng quốc tế.