(ĐTTCO) - Hiện Việt Nam vẫn chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ người lao động phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường quan trọng và cao cấp như EU.
Ngày 21/1, tại thành phố Cần Thơ, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo tham vấn xác định các biện pháp hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp trong các nhà máy, cơ sở cung cấp nguyên liệu thô phục vụ chế biến và xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU).
Vấn đề nêu ra tại hội thảo này cho thấy mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có một số biện pháp hỗ trợ đối với những người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, vẫn chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ người lao động phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường quan trọng và cao cấp như EU.
Tiến sĩ Bùi Sĩ Tuấn, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung vào các sản phẩm thâm dụng lao động bao gồm hàng điện tử, máy điện thoại lắp ráp, giày dép, hàng may mặc và dệt may, cà phê, thủy sản, đá và đồ gỗ nội thất.
Lao động phục vụ trong các ngành xuất khẩu, đặc biệt là lao động thuộc vùng cung cấp nguyên liệu thô, chủ yếu là lao động nông thôn, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, sản phẩm luôn có nguy cơ rủi ro do phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thời tiết, cạnh tranh về giá cả, về thị trường tiêu thụ.
Do vậy, lao động ở khu vực này, kể cả lao động trồng nguyên liệu và lao động tại các cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu nhìn chung có thu nhập thấp và không ổn định, dễ gặp các cú sốc và rủi ro…
Tiến sĩ Bùi Sĩ Tuấn phân tích: Việc tiếp cận thị trường lao động thì kênh thông tin không có, đa số tìm đến doanh nghiệp qua thông tin bạn bè, người thân, ít qua kênh chính thống. Qua đó cho thấy lao động còn khó khăn trong tiếp cận thông tin về việc làm.