Cần có hạ tầng công nghệ dùng chung cho các cơ quan báo chí

(ĐTTCO) - Sáng 13-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. 

Tại buổi làm việc, báo cáo kết quả và nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh, nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 73 năm qua, kể từ ngày thành lập tại chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (21-4-1950), Hội Nhà báo Việt Nam đã cùng những người làm báo cả nước luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, luôn đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sáng 13-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 13-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong mọi hoàn cảnh, lãnh đạo hội, hội viên, nhà báo luôn bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc và thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội bất mãn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam và nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh đề nghị, Hội Nhà báo các cấp tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển theo định hướng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: QUANG PHÚC

Các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Tại chương trình làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã nghe đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan báo chí trình bày, chia sẻ những nỗ lực cũng như những khó khăn còn tồn tại trong hoạt động báo chí.

Chia sẻ tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, Báo SGGP là cơ quan của Thành ủy TPHCM, đã cùng với các cơ quan báo chí khác luôn nỗ lực, vượt khó để làm tốt nhiệm vụ của mình; luôn nhận thức sâu sắc và thực hiện xuyên suốt nhiệm vụ trọng tâm là chuyển tải nhanh nhất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đại bộ phận người dân, góp phần định hướng dư luận và ổn định tình hình.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng chí Lê Quốc Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Riêng Báo SGGP đã tổ chức nhiều chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài, vệt bài đấu tranh mạnh mẽ với các quan điểm sai trái, thù địch một cách có hiệu quả. Song song với đó là các chuyên trang, chuyên mục về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền gương người tốt việc tốt, gần đây là cuộc thi “Tỏa sáng giá trị Việt”.

“Chúng tôi luôn ý thức và kịp thời phản ánh trung thực những tồn tại của xã hội, cùng với đó tổ chức nhiều diễn đàn góp ý, phản biện, để việc ban hành các chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện và sát với thực tiễn cuộc sống hơn”, Nhà báo Tăng Hữu Phong chia sẻ.

Nhân dịp này, thay mặt cho các cơ quan báo chí TPHCM, Nhà báo Tăng Hữu Phong đề nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo sớm hình thành hạ tầng công nghệ dùng chung cho báo chí cả nước. Bởi theo Nhà báo Tăng Hữu Phong, phần lớn hạ tầng công nghệ của các cơ quan báo chí là yếu, phải đi thuê bên thứ ba, điều này vừa có chi phí cao, vừa không đảm bảo sự an toàn khi sự cố xảy ra. Làm tốt được vấn đề công nghệ dùng chung cũng là điều kiện để cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí.

Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG PHÚC

“Muốn chuyển đổi số thành công và các cơ quan báo chí chính thống mạnh lên một cách an toàn, nhất định phải có hệ thống hạ tầng dùng chung để vừa được bảo vệ trước các cuộc tấn công của mã độc, của các thế lực thù địch, vừa phát huy được thế mạnh của từng cơ quan báo chí”, Nhà báo Tăng Hữu Phong nhận định.

Nhân dịp này, Nhà báo Tăng Hữu Phong cùng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa truyền thông chính sách đến đại bộ phận người dân thông qua các kênh chính thống, tránh tạo khoảng trống về thời gian để các thế lực thù địch có thông tin chống phá, lợi dụng mạng xã hội để dẫn dắt dư luận. Việc này, theo Nhà báo Tăng Hữu Phong cần có một cơ quan phụ trách để bảo vệ bản quyền của các cơ quan báo chí.

Các tin khác