(ĐTTCO) - Còn đúng 1 tuần nữa, ngày 1-1-2017 Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực. Trong đó có nội dung quy định mức lãi suất cho vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. Câu hỏi đặt ra là các TCTD có bị áp giới hạn lãi suất 20%/năm hay không. Thậm chí có kiến nghị nên sửa Luật TCTD năm 2010 để phù hợp với thực tế.
Khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Theo đó, từ ngày 1-1-2017 tất cả lãi suất không thể vượt quá 20%/năm. Vậy những khoản lãi suất hiện tại các NHTM đang áp dụng, trong đó có lãi suất cho thẻ tín dụng có khi lên đến 25-30%/năm, hoặc lãi suất của công ty tài chính có thể lên đến 30-50%/năm, có phải điều chỉnh hay không. Có ý kiến cho rằng các NHTM huy động vốn dễ dàng hơn so với các công ty tài chính. Lãi suất huy động bình quân vào khoảng 8-9%/năm, cho vay 20%/năm là quá cao. Nhưng đối với các công ty tài chính cho vay tín dụng tiêu dùng không có điều kiện huy động vốn rẻ như NH, chi phí và rủi ro cao… nếu cũng yêu cầu cho vay như NHTM, các đơn vị này khó tồn tại được.
Một NH cho biết được NHNN đồng ý áp dụng lãi suất cho vay là lãi suất thỏa thuận quy định trong Điều 91 của Luật các TCTD 2010. Có nghĩa lãi suất thỏa thuận giữa NH và khách hàng, và lãi suất này không có giới hạn. Nhà băng này cho biết sẽ tiếp tục áp dụng theo lãi suất này, dù có thể vượt quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Như vậy theo cách hiểu này, trần lãi suất 20%/năm không áp dụng cho các TCTD, trong đó có NH và các công ty tài chính. Và ngay trong Luật Dân sự cũng có điều khoản lãi suất trần 20%/năm được áp dụng cho tất cả lãi suất, trừ khi các “luật khác quy định”. Các NH cho rằng họ sẽ theo Luật các TCTD được hiểu là “luật khác” có ghi trong Bộ luật Dân sự 2015.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại |
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, trong Bộ luật Dân sự 2015 có chỗ mở dành cho các luật chuyên ngành điều chỉnh. Quay trở lại Luật TCTD 2010 cho phép các TCTD tự do thỏa thuận nhưng phải “theo các quy định pháp luật” (được hiểu ở đây là Bộ luật Dân sự), là điểm đã khiến việc áp dụng của các NH đang gặp khó khăn. Theo đó, Luật các TCTD nên chăng được sửa đổi bằng cách bỏ cụm từ “theo quy định pháp luật” để các TCTD tự thỏa thuận với nhau. Trên thực tế, từ trước đến nay các TCTD đã tự thỏa thuận với nhau và không theo trần lãi suất. Chẳng hạn công ty tài chính lãi suất cho vay lên đến 30-50%/năm vì các khoản cho vay được nhận định có rủi ro cao hơn.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, cho rằng nếu luật chuyên ngành ở đây là Luật các TCTD không có quy định, thì Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trần lãi suất sẽ được áp dụng luôn cho cả NH, công ty tài chính. Do đó NHNN cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng trước khi có quyết định sửa Luật các TCTD. Trong Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” được hiểu là Luật các TCTD, vì thế khi có văn bản hướng dẫn của NHNN sẽ gỡ nút thắt chỉ ra hướng giải quyết, không thể cứ trong vòng luẩn quẩn rằng Luật các TCTD phải theo quy định pháp luật là Bộ luật Dân sự 2015.
Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Bộ luật Dân sự được xây dựng để bảo vệ quyền lợi của nền kinh tế, không bảo vệ cho một chủ thể nào. Riêng vấn đề lãi suất, mức 20%/năm xấp xỉ các mức lãi suất phạt liên quan đến nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, quy định của Luật Dân sự 2015 cũng tạo lối mở khi điều kiện kinh tế thị trường có biến động, Ủy ban sẽ xem xét, có kiến nghị cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, cụm từ “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” được coi là lối mở nữa giúp trần lãi suất không bị áp một cách cứng nhắc. Tuy nhiên đại diện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, trong thời gian tới NHNN sửa đổi Luật các TCTD nên đưa ra mức giới hạn lãi suất đối với từng loại hoạt động tín dụng cụ thể. Chẳng hạn thẻ ghi nợ không có tài sản bảo đảm nên việc trả lãi suất phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa TCTD và người đi vay, hoặc trong một số trường hợp đặc thù có thể đưa ra mức lãi suất khác. Do đó Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã có cửa mở để NHNN quy định một cách minh bạch trong chính sách tín dụng.
Nói về trần lãi suất, một số chuyên gia cho rằng trần lãi suất chỉ nên áp dụng trong trường hợp không có thỏa thuận, những trường hợp phạt lãi suất hay đối với những khoản tín dụng đen nhằm mục tiêu tránh cho vay nặng lãi. Đối với quan hệ tín dụng giữa người vay và các TCTD đã có thỏa thuận không nên giới hạn lãi suất. Những quy định của Bộ luật Dân sự 2015 khá rõ ràng, điều quan trọng là thống nhất cách hiểu giữa người dân, giữa các cơ quan hành chính nhà nước để áp dụng vào thực tế. Theo cách hiểu này, các TCTD không cần phải điều chỉnh lãi suất của những khoản vay vượt trần sau ngày 1-1-2017.