Chiều 7/6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải quyết "điệp khúc" được mùa, mất giá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, bên cạnh vai trò điều phối của Bộ, rất cần sự vào cuộc, năng động của các chính quyền địa phương.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) về tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá đến bao giờ hết, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ ông "sợ nhất" câu hỏi "đến bao giờ" được nêu tại Quốc hội, song khẳng định, Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm.
Với tư cách là "Tư lệnh" ngành nông nghiệp, Bộ trưởng sẽ làm hết sức mình để giải quyết vấn đề trên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện từ dưới lên trên, nếu có sự vào cuộc, sự năng động của chính quyền địa phương, sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.
Dẫn câu chuyện nông sản của một số địa phương như càrốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, khi các địa phương, lãnh đạo địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại, hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương, mang một lời hiệu triệu cho các doanh nghiệp về để kết nối với nông sản của mình.
Nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương "đất đai Hải Dương manh mún nhưng dứt khoát tư duy của người nông dân Hải Dương không được manh mún," Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để hóa giải tình trạng manh mún trong nông nghiệp, cần tạo ra những ngành hàng nông nghiệp dưới sự liên kết, hợp tác.
Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, vấn đề là ngành nông nghiệp và các địa phương dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.
Về câu hỏi đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) liên quan đến chế biến nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực tế tỷ lệ qua chế biến của một số ngành nông sản gần như đạt 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su.
Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thăm và khởi động nhà máy chế biến nông sản ở Sơn La, Gia Lai và một số địa phương.
Từ đây, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh đến tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, Bộ trưởng cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, các địa phương cần chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo sự an tâm khi đảm bảo có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp rất lo ngại đầu tư nhà máy chế biến nhưng nông dân không bán nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với hai bên gồm nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) về việc nông sản Việt bán ở nước ngoài giá cao, song doanh nghiệp thu mua của nông dân lại giá thấp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để đưa một mặt hàng nông sản đến kệ hàng của siêu thị tại nước ngoài, chi phí logistics và chi phí thị trường chiếm tỉ trọng cao.
Do đó, chưa thể "quá háo hức," điều quan trọng là giá cao đó có phân bổ lại được cho người nông dân hay không. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ mong muốn trước nhất phải làm tốt thương hiệu trong nước, tạo niềm tin cho nông sản trong nước, qua đó tạo bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài.