Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên vốn đầu tư toàn xã hội lại giảm, vốn nhà nước chiếm 9,2% giai đoạn 2011-2015, đến giai đoạn 2016-2020 giảm xuống còn 8,9%. TPHCM cần tháo gỡ khó khăn thì mới huy động được nguồn lực vốn từ khu vực ngoài nhà nước đầu tư cho sự phát triển của TP.
Thách thức về vốn
Nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 của TPHCM cần khoảng 78,5 tỷ USD (tăng hơn 53% so với giai đoạn trước), nhưng nguồn vốn nhà nước dự kiến chỉ có khoảng 16,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Còn lại phải vận động, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thực tế, trong 3 năm 2016-2018, ngoài nguồn vốn cân đối, TP phải huy động bằng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (từ vốn ODA); khai thác nguồn thu từ nhà, đất. Ngoài ra, TP phải thực hiện đầu tư các dự án theo hình thức PPP; chương trình kích cầu đầu tư... Các hình thức này đã góp phần giảm bớt áp lực cân đối vốn đầu tư của TP.
Cầu Sài Gòn 2 được xây dựng theo hình thức PPP . Ảnh: CAO THĂNG
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch - Đầu tư TP, cho biết: Theo thống kê, chỉ tính riêng chương trình kích cầu đầu tư (với hơn 600 dự án) thì cứ 1 đồng ngân sách được đầu tư thu hút được 14 đồng từ nguồn lực xã hội. Như vậy, với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TP giai đoạn hiện nay (2019-2020) chỉ có khả năng chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP, thì nó chỉ đóng vai trò… vốn mồi! Nếu triển khai thu hút từ các nguồn khác, như nguồn vốn ODA thì dẫn đến nợ quốc gia tăng, do vậy việc phát triển, thúc đẩy kêu gọi đầu tư theo hình thức doanh nghiệp và nhà nước cùng làm (đối tác công tư - PPP) là một yêu cầu tất yếu, hữu hiệu hơn.
Nhưng với tình hình hiện nay, TP đang đứng trước những thách thức như phải đối mặt với hàng loạt nhu cầu ngày càng tăng về hạ tầng, xã hội. Nếu tính riêng nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ cho dân số ngày càng tăng (cứ 5 năm, dân số TP tăng 1 triệu người), nên trước sự phát triển đô thị hóa thì các yêu cầu như phục hồi chức năng cơ sở hạ tầng bị lão hóa, nhu cầu tăng số lượng và cả chất dịch vụ công cộng… là rất lớn. Trong khi nguồn vốn của Nhà nước đang hạn hẹp thì việc làm thế nào để thu hút các nguồn lực đầu tư khác (khu vực ngoài Nhà nước và nước ngoài) là một thách thức lớn.
Thúc đẩy 130 dự án chuyển động
Nếu tính riêng về huy động vốn PPP thì từ năm 2000 đến nay đã có 22 dự án hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 3 tỷ USD (gồm 16 dự án giao thông vận tải, 3 dự án hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án môi trường và 1 dự án văn hóa). Một số dự án PPP đã được đưa vào sử dụng, giúp làm thay đổi bộ mặt TP, tiêu biểu như dự án Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (tổng vốn đầu tư 0,46 tỷ USD); dự án Xây dựng cầu Sài Gòn 2 (tổng vốn đầu tư 0,08 tỷ USD); dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ (tổng vốn đầu tư 0,13 tỷ USD)… Hiện TP đang tiếp tục chuẩn bị thực hiện 130 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là khoảng 16,42 tỷ USD theo hình thức PPP. Thế nhưng, những thách thức vẫn chưa được giải quyết.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc đầu tư theo hình thức PPP còn ẩn chứa nhiều rủi ro về chính sách, thể chế, tỷ giá hối đoái, các rủi ro về kỹ thuật trong quá trình xây dựng nên khó thu hút được đầu tư. Phân loại rủi ro cấp quốc gia của OECD đối với các nước khu vực Đông Nam Á, một chuyên gia phân tích chính trị Ban Đông Nam Á của OECD cho biết, Việt Nam ở mức rủi ro cao (mức 5), chỉ đứng trước Lào (mức 7) và Campuchia (mức 6). Đó chính là khó khăn, rào cản trong thu hút vốn PPP, bởi mặt bằng lãi suất tại Việt Nam cao hơn một số nước xung quanh và cao hơn nhiều các nước phát triển, sẽ làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư khi dự án bị kéo dài ngoài dự kiến.
Hiện Chính phủ đã đề ra giải pháp thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm việc “hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là PPP, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tăng cường quản lý, bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí”. Thế nhưng, để hấp dẫn các nhà đầu tư, điều cần nhất là trong quá trình thực thi, công tác cán bộ phải đảm bảo hiệu quả, mang tính thực tiễn thì các chính sách hỗ trợ mới đi vào cuộc sống.
Do vậy, cả hệ thống chính quyền cần hiểu rõ vai trò của khu vực tư nhân trong PPP, không chỉ là vấn đề cung cấp vốn cho các khu vực công, mà còn là sự đóng góp khác nữa. Chẳng hạn như về sáng kiến để giải quyết các vấn đề của dự án, về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và về khả năng quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình dự án để đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng chất lượng dịch vụ công cho người dân. Hiểu như vậy thì từng bộ mới có ý thức trong kêu gọi và hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển.