Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thượng tá Trần Văn Quyết, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận Gò Vấp, TPHCM đã giải đáp các thắc mắc trên.
Thanh niên quận Gò Vấp, TPHCM đang khám sức khỏe NVQS
PHÓNG VIÊN: - Thưa Thượng tá, một bạn đọc ở phường 1, quận Gò Vấp có con bị cận 6 độ. Với thực tế như vậy, cháu có đủ sức khỏe thi hành NVQS hay không?
Thượng tá TRẦN VĂN QUYẾT: - Với trường hợp cụ thể này, chúng tôi chưa thể trả lời được vì thời điểm này thanh niên đang khám sức khỏe. Chúng tôi phải chờ kết luận từ Hội đồng khám sức khỏe NVQS. Bởi lẽ, thời gian qua có rất nhiều cháu không bị bệnh tật khúc xạ, nhưng lúc đi khám sức khỏe vẫn đeo kính và khai là bị cận thị. Quận Gò Vấp là địa phương rất chú trọng công tác tuyển chọn thanh niên thi hành NVQS, trong đó có vấn đề sức khỏe. Sau khi thông qua Hội đồng NVQS, khi giao quân cho đơn vị huấn luyện, các cháu lại được sàng lọc sức khỏe một lần nữa. Do vậy, chúng tôi phải tổ chức khám sức khỏe rất kỹ để chủ động mọi mặt. Quân nhân thì sức khỏe phải thật tốt! Theo điểm c, khoản 3, Điều 4 Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 của Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ thì không gọi nhập ngũ vào quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt. Cụ thể là cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ...
- Có một thực trạng đáng báo động là thanh niên rất thích xăm mình và xem đó như thời trang. Tuy nhiên, với tính chính quy, kỷ luật, lễ tiết tác phong của quân đội..., trước nay các trường hợp xăm mình không được xét tuyển. Đến nay việc này vẫn còn thực hiện?
Đúng là trước đây, khi phát hiện có hình xăm trên cơ thể công dân được gọi nhập ngũ thì các đơn vị tuyển quân NVQS từ chối. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, một số trường hợp xăm mình vẫn được xét tuyển. Hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15-4-2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Khoản 9, Điều 5 thông tư này quy định không tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội những trường hợp trên cơ thể có: Hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực; hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện, như: mặt, đầu, cổ, từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống; Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.
Hình xăm, chữ xăm trên cơ thể là một trong những nội dung thuộc tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong công tác tuyển chọn NVQS. Những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm không thuộc các quy định trên hoặc có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét, tuyển chọn NVQS. Xăm mình vẫn có thể đi NVQS nếu đáp ứng điều kiện quy định.
- Thực tế hiện nay có một số công dân đã lợi dụng quy định này và cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển NVQS để trốn tránh việc thực hiện NVQS. Chúng ta có giải pháp gì để ngăn chặn?
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng, trốn tránh thực hiện NVQS, hàng năm Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và hướng dẫn chi tiết, cụ thể về hình xăm, chữ xăm. Nhờ vậy, chất lượng công tác tuyển quân đang từng bước được nâng cao. Các địa phương, đơn vị quân đội đã phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 98/CT-BQP ngày 26-10-2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong tình hình mới.
Theo Khoản 8 và Khoản 9, Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6-6-2022 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ) quy định xử phạt hành chính người có hành vi xăm mình nhằm trốn tránh NVQS. Theo đó, phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình để trốn tránh NVQS; phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe NVQS đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.