Can thiệp quá sâu bằng điều kiện kinh doanh

(ĐTTCO) - Hôm qua 31-5, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức hội thảo “Điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong 2 lĩnh vực khoa học và công nghệ, công thương - Nhận diện và kiến nghị”. 
Nhiều ý kiến cho rằng việc tháo gỡ các rào cản về ĐKKD cần thực chất từ cơ quan quản lý nhà nước chứ không chỉ nói suông.
Lạm dụng ĐKKD không cần thiết

Trong số 5 ngành, nghề rà soát thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương (xuất khẩu gạo, kinh doanh khí, kinh doanh rượu, kinh doanh dịch vụ logistics và kinh doanh dịch vụ tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh), bà Nguyễn Diệu Hồng, Ban Pháp chế (VCCI), cho rằng dù đây là những ngành nghề nằm trong quy định ở cấp nghị định, tuân thủ đúng Luật Đầu tư, nhưng nếu chiếu theo sự cần thiết để có các quy định này lại không hoàn toàn như yêu cầu của luật.
Hiến pháp đã nói quyền tự do kinh doanh chỉ bị giới hạn bởi pháp luật, nhưng hiểu thế nào về ĐKKD không hề đơn giản. Quyền tự do kinh doanh không phải là tuyệt đối, nhưng nghiêng về một bên mà bóp nghẹt quyền tự do kinh doanh, hạn chế quá mức cần thiết cần phải xem lại.
Ông Trần Hữu Huỳnh
Bởi lẽ, nhiều ĐKKD đã can thiệp vào hoạt động, quyền tự quyết của DN. Thí dụ, nước ta không rơi vào tình trạng thiếu lương thực nên không cần kiểm soát bằng ĐKKD đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, song kinh doanh lĩnh vực này vẫn phải tuân thủ theo các ĐKKD. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có nhiều quy định mang tính ràng buộc bằng ĐKKD gây khó khăn cho hoạt động DN, cá nhân kinh doanh.
Đơn cử, quy định về điều kiện chứng chỉ hành nghề của kế toán viên đã ở nghị định, nhưng trình tự thủ tục hồ sơ, thi tuyển lại quy định ở thông tư. Cơ quan quản lý giải thích trình tự đó không phải ĐKKD nên có quyền quy định ở thông tư. Rõ ràng những yêu cầu buộc DN, cá nhân kinh doanh phải đáp ứng chẳng khác nào như một ĐKKD. Cũng theo ông Hiếu, thách thức đáng lo ngại hiện nay là những yêu cầu mang tính ĐKKD chuyển sang quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.  “ĐKKD là điều kiện Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành và bắt buộc áp dụng và phải được cấp giấy phép. Trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật là yêu cầu về đặc tính kỹ thuật, yêu cầu quản lý dùng để phân loại và do tổ chức tự công bố, tự nguyện áp dụng. Các yêu cầu trên có sự trùng lặp nhưng có những điểm khác nhau về bản chất, và nếu kiểm soát không tốt ĐKKD sẽ bị lạm dụng và chuyển sang quy chuẩn” - ông Hiếu phân tích. Về những ngành nghề có ĐKKD thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, bà Nguyễn Diệu Hồng lấy thí dụ về sự bất cập trong yêu cầu sản xuất mũ bảo hiểm cho người điều khiển mô tô, xe gắn máy. Hiện nay, sản phẩm mũ bảo hiểm đang xếp vào nhóm hàng trước khi lưu thông phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Điều đó có nghĩa trước khi lưu thông chất lượng sản phẩm phải đạt chuẩn, cho dù DN sản xuất bằng quy trình nào. Như vậy, có cần thiết phải đưa ra quy định về ĐKKD đối với hoạt động sản xuất này.
Can thiệp quá sâu bằng điều kiện kinh doanh ảnh 1 Sản xuất mũ bảo hiểm cũng bị buộc ĐKKD, trong khi sản phẩm đã đạt chuẩn. 
Những rào cản
“Nếu lạm dụng về sự cần thiết phải có ĐKKD sẽ không có sản phẩm nào không có nguy cơ rủi ro” - ông Phan Đức Hiếu nói và nêu thí dụ: “Xin hỏi chai nước có nguy cơ gây rủi ro cho xã hội không khi uống vào có thể nguy hại đến cơ thể. Hay bút chiếu cũng có nguy cơ sóng laze ảnh hưởng sức khỏe người khác. Người ta diễn giải nguy cơ rủi ro, chỉ nói 1 vế mà không đề cập đến rủi ro đó đã đến mức Nhà nước phải can thiệp hay không để nói về sự cần thiết khi đưa ra ĐKKD”. Đại diện CIEM chỉ ra thực tế về kinh doanh hiện nay và cho rằng đang áp đặt quá mức các ĐKKD, không phải cứ có rủi ro là phải can thiệp bằng điều kiện và chính điều này đã tạo ra rào cản gia nhập thị trường.
Thí dụ, đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc trước khi được nhận làm. Đó là nghịch lý bởi nếu đòi hỏi với sinh viên ra trường như vậy là đánh đố khi không cho làm việc làm sao có kinh nghiệm?! Thực tế đó đã tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính với DN, hạn chế quyền tự do hợp đồng, thỏa thuận giá cả…
“Nhà nước đang can thiệp quá nhiều vào hoạt động kinh doanh của DN bằng các ĐKKD. Để DN tư nhân phát triển, Nhà nước nên ngừng can thiệp. Điều khiến tôi lo lắng nhất là trước một vấn đề bất cập nào đó, đi kèm theo là những kiến nghị xem xét ban hành luật. Điều này đồng nghĩa có thể thêm sự can thiệp của Nhà nước với DN thông qua các yêu cầu về thủ tục, nghĩa vụ, tức DN sẽ bị trói chặt thêm. Cuộc đấu tranh với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cuộc chiến thay đổi liên tục, biến động. Cho đến nay không ai có thể thống kê chính xác bao nhiêu ĐKKD và nó được ban hành ở văn bản nào vì sự biến đổi hàng ngày, hàng giờ”- ông Hiếu bức xúc.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế, cho biết khảo sát 7 năm qua của VCCI cho thấy DN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, nhưng lại có xu hướng nhỏ dần trong khi lẽ ra họ phải ngày càng lớn mạnh trong cạnh tranh. Phải chăng do môi trường kinh doanh chưa thực sự khuyến khích? Và việc gia nhập một số ngành nghề kinh doanh đang bị ĐKKD dựng rào cản?

Các tin khác