Cảng Sài Gòn gặp khó khi di dời

Việc di dời cụm cảng Sài Gòn từ nội thành ra khu vực Hiệp Phước (Nhà Bè) đang gặp nhiều khó khăn do không có đường kết nối, luồng Soài Rạp chưa được nạo vét, chưa có quy hoạch khu cảng hiện hữu để chuyển đổi công năng lấy vốn đầu tư cảng mới.

Việc di dời cụm cảng Sài Gòn từ nội thành ra khu vực Hiệp Phước (Nhà Bè) đang gặp nhiều khó khăn do không có đường kết nối, luồng Soài Rạp chưa được nạo vét, chưa có quy hoạch khu cảng hiện hữu để chuyển đổi công năng lấy vốn đầu tư cảng mới.

Cảng chờ… 2 km đường

Theo báo cáo của Cảng Sài Gòn, trong năm 2011 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và do đang trong quá trình di dời ra khỏi nội thành TP. nên Cảng Sài Gòn đã gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng đạt 10,2 triệu tấn, giảm sút so với năm 2010 (trên 11 triệu tấn).

Ông Nguyễn Ngọc Tới -Thư kí Hội đồng thành viên Cảng Sài Gòn cho biết, hiện ở khu vực Hiệp Phước- địa điểm Cảng Sài Gòn di dời tới, đơn vị đã xây dựng xong một bến cảng dài 400m, nhưng ở đây tồn tại một số vướng mắc nên chưa thể hoạt động.

Đó là do tuyến đường D3 nối khu cảng với KCN Hiệp Phước mới giải phóng mặt bằng được 50%, chưa có vốn đầu tư tiếp do chưa có quy hoạch kiến trúc khu cảng hiện hữu để kêu gọi nhà đầu tư; luồng tàu mới qua sông Soài Rạp vẫn chưa được nạo vét.

Theo ông Tới, căn cứ Quy chế tài chính phục vụ di dời các cảng trên sông Sài Gòn và nhà máy đóng tàu Ba Son ban hành kèm theo Quyết định 46/2010/QĐ-TTg ngày 24-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp cảng thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng mới phục vụ di dời bằng nguồn tiền thu được từ việc chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp cảng thực hiện di dời là muốn di dời phải xây dựng cảng mới, muốn xây dựng cảng mới phải có vốn đầu tư, muốn có vốn đầu tư phải chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ.

Tuy nhiên, quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ (trong đó có khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội của Cảng Sài Gòn) chưa được UBND TP.HCM phê duyệt nên chưa thể triển khai dự án đầu tư tại khu đất cũ để tạo nguồn vốn xây dựng cảng mới.

Cần cơ chế ưu đãi

Theo đại diện Cảng Sài Gòn, việc đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển (là đầu mối giao thông quan trọng của nền kinh tế) đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm. Việc di dời cảng biển từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam nên Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp cảng sau khi di dời.

Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khi đưa vào khai thác trong thời gian tới dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do đây là cảng tổng hợp của Nhà nước nên phải tiếp nhận tất cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó chủ yếu là các mặt hàng rời phục vụ sản xuất nông nghiệp có lợi nhuận rất thấp, không mang lại hiệu quả cao.

Mặt khác, các cảng xây dựng mới phục vụ di dời với nguồn vốn đầu tư lớn sẽ không thể cạnh tranh với các các cảng hiện hữu trong khu vực vì hầu hết các cảng này có chi phí khấu hao thấp và đã khấu hao gần hết. Do đó, Nhà nước và địa phương cần có chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ cho dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước của Cảng Sài Gòn sau khi hoàn thành đưa vào khai thác.

Tại Quyết định 791/QĐ-TTg ngày 12-8-2005, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các chế độ chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp di dời (kinh phí thuê đất, thuế, sử dụng vốn tín dụng ưu đãi..).

Tuy nhiên, cho đến nay các chế độ chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cảng thực hiện di dời vẫn chưa được ban hành.

Các tin khác