Căng sức với hàng lậu, thực phẩm “bẩn”

(ĐTTCO).- Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) TPHCM đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết công tác QLTT năm 2016 và phương hướng hoạt động năm 2017” diễn ra sáng nay 27-12.

(ĐTTCO).- Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) TPHCM đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết công tác QLTT năm 2016 và phương hướng hoạt động năm 2017” diễn ra sáng nay 27-12.

 

Thống kê của QLTT TPHCM cho thấy, từ đầu năm 2016 đến nay các đội QLTT đã kiểm tra, phát hiện gần 5.400 vụ vi phạm, gồm buôn bán, trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả… Chi cục QLTT TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khoảng 134 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015.

Đối với các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, QLTT đã tạm giữ hơn 39.000 sản phẩm rượu ngoại, nước tăng lực; tạm giữ 6.656 đơn vị sản phẩm nước trái cây, trà xanh các loại đã hết hạn sử dụng… Ngoài ra, QLTT cũng phát hiện gần 50 tấn bột ngọt Aone, Monosodium do Trung Quốc và Thái Lan sản xuất nhưng ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Đinh Minh Tân, Đội trưởng đội QLTT 2A, dịp cuối năm, các mặt hàng mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm dỏm… bày bán khá nhiều, nên QLTT đã và đang căng sức kiểm tra, xử phạt.

Ông Tân cho rằng, ngoài việc sử dụng các chiêu thức cũ như đưa hàng vào kho, tuồn hàng cho các chợ, điểm bán lẻ… những sản phẩm nhập lậu, kém chất lượng, hiện nay còn có sự tiếp tay của mạng xã hội dưới chiêu thức: hàng xách tay, hàng nhập số lượng giới hạn, hàng đẹp giá mềm… Do vậy, hàng lậu, hàng dỏm có cơ hội tung hoành, được chào bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Đáng lưu ý, tình trạng thuốc lá điếu nhập lậu từ các tỉnh giáp ranh với TPHCM tuồn vào tiêu thụ tại nội thành, thông qua khu vực huyện Bình Chánh (giáp ranh tỉnh Long An), huyện Củ Chi (giáp ranh tỉnh Tây Ninh)… Điểm tập kết tiêu thụ “nổi tiếng” chính là khu vực chợ Học Lạc, quận 5, TPHCM.

Trước diễn biến phức tạp trên, để ngăn chặn, triệt phá các “ổ” buôn lậu này, nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành, trong đó có quận, huyện còn lắp camera giám sát.

Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, TPHCM cho biết, địa phương đã tiến hành lắp đặt camera theo dõi thường xuyên 24/24 tại hẻm số 17 và 24 Học Lạc để giám sát việc buôn bán, kinh doanh thuốc lá điếu, hạn chế tình trạng nhập lậu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nhận định, TPHCM phát triển mạnh trên cơ sở thương mại và dịch vụ; trong đó QLTT đóng vai trò quan trọng đối với thành tích phát triển chung của TP. Thực tế hiện nay, vấn nạn hàng lậu, hàng giả đã và đang hủy hoại nền kinh tế, phá hoại thị trường các tỉnh, thành và cả trên bình diện quốc gia.

Tết đến, nguy cơ hàng xấu, hàng kém chất lượng có dịp trà trộn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính… “Yêu cầu lực lượng QLTT TP cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh các nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2017; đồng thời nâng cao tuyên truyền rộng rãi đến người dân, người kinh doanh trong việc chủ động mua hàng, bán hàng đúng phẩm chất”, đồng chí Lê Văn Khoa chỉ đạo.

Tại Hội nghị “Tổng kết công tác QLTT năm 2016 và phương hướng hoạt động năm 2017” diễn ra sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cùng lãnh đạo Cục QLTT thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã trao tặng Huân chương lao động hạng Ba cho 2 cá nhân, gồm: ông Phạm Quí Cường, Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM và ông Dương Công Khanh, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục QLTT TPHCM.

Lãnh đạo Cục QLTT, Sở Công thương TPHCM thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng khen cho các cá nhân, gồm: ông Huỳnh Anh Dũng, Chi cục Phó Chi cục QLTT TPHCM; ông Trần Văn Lập, Đội trưởng Đội QLTT 10B; ông Lê Văn Pho, Đội phó Đội QLTT Hóc Môn; ông Nguyễn Viết Cường, Đội phó Đội QLTT 5B; ông Nguyễn Hoàng Sơn, Đội phó Đội QLTT Củ Chi.

Các tin khác