Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cảnh báo việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố, thế chấp sổ BHXH là các hành vi vi phạm pháp luật; tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại cho cả người bán lẫn người mua sổ.
Mua bán “lúa non” sổ BHXH
Thời gian qua, trong lúc làm thủ tục hưởng chế độ BHXH một lần - chế độ lãnh “một cục” - một số người đã lợi dụng việc ủy quyền nhận thay trợ cấp BHXH một lần để thu gom sổ BHXH, trục lợi. Trước đó, BHXH huyện Củ Chi phát hiện hàng loạt công nhân trên địa bàn huyện ủy quyền cho ông Ng.H.Đ. (40 tuổi, quê tỉnh Long An; ngụ tại xã Trung An, huyện Củ Chi), làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần. Trước vụ việc đáng ngờ, lặp lại liên tục, BHXH chuyển hồ sơ sang công an huyện điều tra.
Người lao động làm hồ sơ đề nghị nhận chế độ BHXH một lần tại BHXH TPHCM
Qua xác minh cho thấy, ông Đ. và vợ là chủ tiệm cầm đồ H.Đ. ở xã Trung An. Từ khoảng tháng 2-2019, theo quy định mới, các công ty không giữ sổ BHXH của công nhân nữa mà giao lại cho từng công nhân tự bảo quản, quản lý. Từ đó, một số công nhân do kẹt tiền trị bệnh, sửa chữa nhà, kẹt tiền trong sinh hoạt, đã mang sổ BHXH, chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu đến dịch vụ cầm đồ H.Đ. cầm cố. Đặc biệt, một số công nhân ở các tỉnh xa, đã “bán non” luôn sổ BHXH - tùy theo thời gian tham gia BHXH và tiền đã đóng BHXH - cho ông Đ. Dựa trên thông tin đóng BHXH được ghi trên sổ, ông Đ. sẽ ước tính ra số tiền được lãnh rồi giao tiền cho công nhân. Hai bên lập hợp đồng ủy quyền để ông Đ. thay mặt công nhân tới cơ quan BHXH nhận chế độ BHXH một lần. Nếu sổ BHXH dự kiến có 25 triệu đồng được lãnh từ chế độ “một cục”, nhưng 5 tháng sau mới đến hạn được lãnh tiền, thì ông Đ. trả cho công nhân 20 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Công an huyện Củ Chi xác định có 49 công nhân thế chấp sổ BHXH vay tiền, “bán non” sổ BHXH cho ông Đ. Các công nhân cho biết, họ từ các tỉnh xa đến địa bàn huyện Củ Chi làm việc nên đôi lúc cần tiền gấp để trị bệnh cho người thân, sinh con, sửa chữa nhà… Do cần gấp tiền nhưng vay tại các tổ chức ngân hàng thì không có tài sản thế chấp (không đủ thủ tục để vay), nên công nhân đành “bán non” sổ BHXH tại cửa hàng cầm đồ H.Đ.
Tương tự, BHXH huyện Củ Chi cũng phối hợp với công an huyện phát hiện 8 công nhân cầm cố sổ BHXH kèm theo CMND, sổ hộ khẩu và thẻ ATM để vay 2 - 30 triệu đồng tại dịch vụ cầm đồ N.A. (thị trấn Củ Chi). Một số công nhân đã “bán non” sổ BHXH cho ông H. (chủ tiệm cầm đồ N.A), nếu sổ BHXH được lãnh 25 triệu đồng tiền “một cục”, thì “bán non”, lấy 20 triệu đồng từ trước đó 5 tháng.
Tiềm ẩn thiệt hại, rủi ro cho các bên
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, việc cầm cố, mua bán sổ BHXH thường núp dưới hình thức ủy quyền, dùng giấy tờ ủy quyền thực hiện tại phòng công chứng để hợp thức hóa việc mua bán. Về hình thức, cán bộ BHXH khó nhận biết được khi nào là ủy quyền thông thường được pháp luật cho phép, khi nào là mua bán sổ núp dưới hình thức ủy quyền - hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp được ủy quyền liên tục, một người nhận được ủy quyền cả chục lần từ nhiều người ở nhiều nơi khác nhau, thời điểm khác nhau, đều để hưởng chế độ BHXH một lần. Đây là dấu hiệu khả nghi của việc cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH. Thời gian qua, tình trạng này diễn ra rải rác tại các quận huyện; tập trung ở huyện Củ Chi và một số vùng ngoại thành TPHCM. Cơ quan BHXH đã phối hợp với công an các địa phương kiểm tra và xử phạt hành chính một số trường hợp như ông Đ., ông H. (đều ở huyện Củ Chi).
Đối với người “mua non” sổ BHXH cũng không phải là không có rủi ro. Cụ thể, ông Trần Dũng Hà dẫn chứng, có không ít người sau khi bán sổ BHXH đã “lật kèo” bằng cách… làm đơn cớ mất, rồi xin cấp lại sổ BHXH (cấp lần 2). Trong trường hợp cả công nhân có sổ BHXH chính chủ (sổ vừa cấp lại), cả người được ủy quyền (sổ cấp lần đầu), thì cả hai đều có thể đi làm thủ tục hưởng chế độ “một cục”. Như vậy, ai nhanh tay hơn, người đó sẽ nhận trước chế độ BHXH một lần và đương nhiên, người đến sau sẽ không được lãnh. Nhiều trường hợp đã “mua” sổ BHXH, dù có hợp đồng ủy quyền trong tay, nhưng chưa kịp nộp, thì chính chủ đã nộp thủ tục nhận trước. Lúc này, việc ủy quyền đương nhiên không còn giá trị để nhận “một cục” nữa, hồ sơ sẽ bị trả lại.
Ngoài ra, cũng có trường hợp tới phút cuối thì người bán sổ lật kèo trực tiếp, phủ nhận việc ủy quyền trước đó. Một rủi ro nữa cho bên mua sổ BHXH là người lao động có thể qua đời trước khi làm thủ tục nhận BHXH một lần. Lúc đó, BHXH sẽ thực hiện chi trả chế độ tử tuất và theo luật, người được nhận chế độ này là người thân của người vừa qua đời, chứ không giải quyết chế độ “một cục” cho người được ủy quyền.
Cũng theo ông Trần Dũng Hà, khi “bán non” sổ BHXH, người lao động rất thiệt thòi. Theo đó, nếu người lao động đến trực tiếp lãnh BHXH một lần thì số tiền có thể được lãnh 40 - 50 triệu đồng, nhưng khi “bán non”, công nhân chỉ được lãnh 20 - 30 triệu đồng.
Mới đây, ông N.H.N (45 tuổi, ngụ quận 3), tới BHXH quận 3 nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần theo hợp đồng ủy quyền được lập tại Văn phòng Công chứng quận 10 TPHCM, từ ông H.V.Q (30 tuổi, thường trú Bến Tre). Tuy nhiên, quá trình giải quyết hồ sơ, BHXH quận 3 phát hiện, trước đó mấy ngày, BHXH quận Gò Vấp đã có tiếp nhận đề nghị giải quyết BHXH một lần cùng số sổ BHXH trên của ông H.V.Q (theo hợp đồng ủy quyền do Văn phòng Công chứng Nguyễn Thị Minh Hiền lập). Vì vậy, BHXH quận 3 đã xóa dữ liệu thẩm định, không giải quyết trợ cấp BHXH một lần cho ông N.H.N theo hợp đồng ủy quyền. |
TRẦN DŨNG HÀ -Phó Giám đốc BHXH TPHCM:Trả tiền vào tài khoản Để ngăn chặn tình trạng mua bán sổ BHXH, nếu phát hiện trường hợp ủy quyền có nghi vấn, BHXH TPHCM sẽ mời cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, trực tiếp tới làm việc, xác minh, xử lý. Ngoài ra, BHXH cũng tập trung cải cách hành chính, giải quyết kịp thời các chế độ BHXH nhằm tạo thuận lợi cho người lao động. Vì thế, người lao động cần thực hiện chế độ gì thì nên đến trực tiếp cơ quan BHXH để làm thủ tục, nhận tiền trực tiếp, không nên “bán non” sổ BHXH. Đặc biệt, một giải pháp phù hợp với xu thế cải cách, không dùng tiền mặt và có thể giảm nhiều tình trạng mua bán sổ BHXH là cơ quan BHXH tiếp tục nghiên cứu, giải quyết theo hướng không chi trả trợ cấp BHXH một lần bằng tiền mặt. Thay vào đó, sẽ “rót” tiền trực tiếp vào tài khoản của công nhân, người lao động. Bởi, cơ quan BHXH đã có số tài khoản công nhân, người lao động khi trước đó đã chi trả trợ cấp thất nghiệp. Một khi tiền chế độ BHXH một lần được “rót” thẳng vào tài khoản của công nhân, thì không ai… dám mua sổ BHXH nữa. Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU -Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM:Mua bán sổ BHXH là vi phạm pháp luật BHXH đóng vai trò quan trọng trong quá trình đảm bảo một phần an sinh xã hội. Hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều người đã lợi dụng để trục lợi từ BHXH. Theo quy định hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên, thời gian qua, phát sinh tình trạng mua bán sổ BHXH núp bóng ký hợp đồng ủy quyền giải quyết chế độ BHXH một lần. Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, ngăn chặn tình trạng trên, đề nghị Bộ LĐTB-XH cho phép cơ quan BHXH các cấp tạm thời không nhận hồ sơ của người lao động ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận hộ tiền hưởng trợ cấp BHXH một lần. Cơ quan BHXH chỉ chấp nhận việc ủy quyền trong trường hợp người lao động ốm đau, bị tai nạn lao động không thể đến cơ quan BHXH và phải có xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng của người ủy quyền. Ngoài ra, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cần xem xét, xử lý gỡ bỏ hoàn toàn trang Facebook thu mua sổ BHXH. Đối với người lao động cũng cần hiểu rõ giá trị của cuốn sổ BHXH đối với mình. Các hành vi mua bán sổ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm trước pháp luật. |