Quốc lộ này dài khoảng 69km, nối liền 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, điểm đầu giao với QL1A thuộc huyện Bắc Bình (Bình Thuận) và điểm cuối giao với QL20 thuộc huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Đây không chỉ là cung đường di chuyển nhanh nhất giữa 2 trung tâm du lịch TP Đà Lạt và TP Phan Thiết, mà còn là trục giao thông theo hướng Đông - Tây ngắn nhất kết nối QL1A, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL20 với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế Đông Bắc Campuchia. Đây cũng là tuyến đường kết nối tam giác du lịch TPHCM - Bình Thuận - Lâm Đồng.
Tuy nhiên, từ khi tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi vào hoạt động, lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng đột biến khiến QL28B vốn đã xuống cấp, mặt đường chằng chịt “ổ voi, ổ gà”, nay lại càng thê thảm hơn.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, Dự án cải tạo, nâng cấp QL28B dự kiến khởi công vào cuối quý 1-2024, thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Dự án có quy mô đường cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 1.435 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Chuẩn bị khởi công 12 dự án giao thông
Ngày 10-8, Bộ GTVT cho biết, có 12 dự án đang chuẩn bị để khởi công từ nay đến cuối năm 2023, trong đó có nhiều dự án thuộc khu vực phía Nam. Cụ thể, trong tháng 8, có 2 dự án được khởi công là đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (Đà Nẵng); cải tạo, nâng cấp QL8C (Hà Tĩnh).
Trong tháng 9, Bộ GTVT khởi công 3 dự án gồm: nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam); đường tránh phía Đông TP Đông Hà (Quảng Trị); cải tạo, nâng cấp QL14B (Đà Nẵng).
Trong quý IV, có 7 dự án dự kiến được khởi công, gồm: nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ (qua tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ); nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (qua TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang); cầu Đại Ngãi trên QL60; nâng cấp đoạn Km18 - Km80 QL4B; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển, vận tải, an toàn đường sắt.