Những chiếc sà lan này neo đậu trong mỏ cát bên kia sông do tỉnh Trà Vinh cấp phép và quản lý. Nhưng lợi dụng lúc nước ròng, họ tiến nhanh về phía bờ Bến Tre để tranh thủ hút cát...
4 công đất chỉ còn 3 công
Chiều 1.10, khi nước trên sông Cổ Chiên vừa ròng, 7 chiếc sà lan trọng tải hàng trăm tấn từ mỏ cát phía bên kia sông liền xuất phát, chạy đến vị trí cách bờ đê cồn Thành Long, H.Mỏ Cày Nam (Bến Tre) khoảng 200 m, rồi bắt đầu bơm hút cát. Chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, các sà lan đã hút đầy cát chở đi và sà lan khác lại kéo đến.
“Mình bơi xuồng nhỏ hì hục, bất kể nguy hiểm ra đuổi nhưng cùng lắm chỉ đến gần, la hét rát cổ họng chứ có cặp vào sà lan được đâu. Mỗi lần làm dữ như vậy, chúng cũng ngưng hút, nhưng mình vừa bơi xuồng vô tới nhà là chúng lại hút tiếp, đầy sà lan mới đi. Tụi tui tức dữ lắm nhưng làm gì được bây giờ, điện thoại báo công an xã cũng như không”, ông Nguyễn Văn Sơn (55 tuổi, nhà cặp bờ đê cồn Thành Long) bức xúc nói.
Theo ông Sơn, cát tặc hoành hành trên đoạn sông này đã 2 năm qua. Khoảng 3 tháng gần đây, chúng bơm hút dữ dội hơn, bất kể ngày đêm, miễn là nước ròng. “Tôi mua hơn 8 công đất, chuyển cả gia đình về đây định cư hơn 10 năm nay. Lúc mới về, cặp sông Cổ Chiên có bãi lá, tiếp theo là bãi bần, ngoài cùng bãi bồi, khi nước ròng sát phải lội bộ hơn 50 m mới ra đến vực nước. Cũng nhờ bãi lài và rộng nên tôi làm thêm nghề đăng bãi kiếm thu nhập. Nhưng 2 năm nay, cát tặc hoành hành quá nên bãi đăng cũng không còn, mà phần đất cặp đê của tôi cũng bị lở hơn 1 công”, ông Sơn buồn rười rượi.
Tương tự ông Sơn, 4 công đất cặp đê của anh Mai Văn Lợi (39 tuổi) hiện chỉ còn chưa đầy 3 công. Nghiêm trọng hơn, căn nhà của gia đình anh cũng đang có nguy cơ sạt xuống sông. “Đêm tôi không ngủ được vì tiếng gầm rú của sà lan hút cát và nỗi lo không có tiền dời nhà”, anh Lợi chia sẻ.
Chính quyền bất lực?
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng ấp Thành Long, cho biết đã nhiều lần báo cáo tình hình với Công an xã Thành Thới A. “Tôi đã nhiều lần tập hợp thanh niên trong ấp lại để đuổi cát tặc nhưng không hiệu quả. Có vài lần tôi lên được sà lan, đề nghị họ về bên mỏ phía tỉnh Trà Vinh nhưng chủ sà lan ngang nhiên nói bên mỏ đã bị hút sâu lắm rồi nên không hút được nữa”, ông Hưng nói và cho biết ấp Thành Long có diện tích tự nhiên hơn 300 ha nhưng sạt lở do khai thác cát ngày càng nghiêm trọng nên diện tích thực tế đã giảm khá nhiều. Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến gần 100 hộ dân khu vực đuôi cồn có đất liền kề đê sông Cổ Chiên.
Ông Võ Văn Út, Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Nam, cho hay tổ công tác chuyên phòng chống cát tặc của huyện cũng thường xuyên tuần tra trên tuyến sông này và đã xử phạt khá nhiều trường hợp. Tuy nhiên, tình hình vẫn không kiểm soát được. “Khu vực từ nửa sông Cổ Chiên về phía tỉnh Trà Vinh có mỏ cát đang được khai thác. Các sà lan neo đậu trong mỏ cát này, lợi dụng lúc nước ròng là tiến nhanh về bên Mỏ Cày Nam, Bến Tre để hút, nhanh đến độ lực lượng chức năng cũng khó phản ứng kịp”, ông Út nói.
Cũng theo ông Út, do tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng nên huyện đã xin kinh phí tỉnh xây dựng kè rọ đá để bảo vệ tạm thời cho tuyến đê có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, đợt này tỉnh chỉ bố trí 2 tỉ đồng nên chỉ đủ xây tiếp kè rọ đá khoảng 150 m, còn lại hơn 250 m đê vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí.