Theo đó, những mét bê tông, cốt thép cuối cùng nối đôi nhịp cầu Mỹ Thuận 2 (thuộc gói thầu XL03B) đã được các kỹ sư, công nhân hoàn thiện.
Khoảnh khắc những mét bê tông, cốt thép cuối cùng của 2 nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2 được kết nối |
Ông Phan Văn Quân, Chỉ huy trưởng nhà thầu Trung Nam E&C tại dự án cầu Mỹ Thuận 2 chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng, chúng tôi gặp không ít khó khăn, sông sâu nước chảy xiết, công trường không có đường ô tô tiếp cận. Tất cả khâu vận chuyển đều bằng đường thủy nên công tác tập kết, di chuyển vật tư, vật liệu từ bãi tập kết ra vị trí thi công gặp nhiều cản trở, phụ thuộc vào con nước".
2 tháp trụ cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 |
Đặc biệt, quá trình thi công đỉnh tháp trụ cầu chính T16 cao 125m rất nguy hiểm và khó khăn khi xây dựng trên cao trong thời tiết mưa gió và sấm sét. Nhưng bằng kinh nghiệm và năng lực, nhà thầu đã kịp tiến độ chung, đáp ứng mọi tiêu chí kỹ thuật, an toàn.
Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn toàn do nhà thầu Việt Nam thiết kế và thi công |
Cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu dây văng lớn nhất hoàn toàn do nhà thầu Việt Nam thiết kế và thi công.
Cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công xây dựng vào tháng 8-2020, trước đó, phần đường dẫn phía tỉnh Tiền Giang đã được khởi công vào ngày 27-2-2020.
Các kỹ sư, công nhân miệt mài để hoàn thành các công đoạn cuối cùng hợp long cầu Mỹ Thuận 2 |
Đây là cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 5.000 tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước.
Toàn dự án cầu Mỹ Thuận 2 (bao gồm đường dẫn) có tổng chiều dài 6,61 km. Trong đó, phần cầu vượt sông dài 1.906m (nhịp dây văng chính dài 650m), mặt cầu rộng 25m, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Cầu Mỹ Thuận 2 (phải) được xây dựng song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu |
Được xây dựng song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, cầu Mỹ Thuận 2 giúp kết nối 2 tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ.
Cầu Mỹ Thuận 2 là dự án hạ tầng chiến lược kết nối 2 vùng kinh tế lớn của khu vực là Đông Nam bộ và ĐBSCL. Trong đó, giúp rút ngắn thời gian di chuyển TPHCM - TP Cần Thơ từ 4 giờ hiện nay xuống còn khoảng 2 giờ.