Chân Mây-Lăng Cô: KKT năng động, hiện đại

Hiện nay Khu kinh tế (KKT) Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đã thu hút được 34 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 36.500 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD.

Hiện nay Khu kinh tế (KKT) Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đã thu hút được 34 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 36.500 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD.

5 năm thu hút đầu tư…

Cùng với các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, việc hình thành KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng chính của khu vực này, trở thành cầu nối với thị trường đông bắc Thái Lan, Trung Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Với chính sách ưu đãi của tỉnh Thừa Thiên Huế, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi có dự án đầu tư vào KKT Chân Mây - Lăng Cô được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.

Hiện KKT đã thu hút được 34 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 36.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD, trong đó có 10 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD.

Đặc biệt, một số dự án có qui mô lớn của các nhà đầu tư thương hiệu như dự án Laguna Huế của Tập đoàn Banyan Tree - Singapore có vốn đầu tư 875 triệu USD, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.230 tỷ đồng, dự án đầu tư hạ tầng KCN và khu phi thuế quan của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn với vốn đầu tư 2.654 tỷ đồng, dự án đầu tư kho xăng dầu và cảng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vốn trên 500 tỷ đồng,...

Đến nay cơ sở hạ tầng thiết yếu trong KKT đã được đầu tư xây dựng bao gồm: hệ thống đường giao thông trục chính đến cảng, đến KCN, khu phi thuế quan, khu đô thị, hệ thống cấp điện, cấp nước, các khu tái định cư…. Qua đó, đã tạo tiền đề hết sức quan trọng để thu hút đầu tư và triển khai xây dựng các dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

KKT Chân Mây - Lăng Cô phấn đấu từ năm 2011-2015 thu hút vốn đầu tư mới 30.000-35.000 tỷ đồng. (Ảnh internet)
KKT Chân Mây - Lăng Cô phấn đấu từ năm 2011-2015 thu hút vốn đầu tư mới
30.000-35.000 tỷ đồng. (Ảnh internet)

Hướng tới KKT năng động, hiện đại

Ban Quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô phấn đấu từ năm 2011 - 2015 sẽ đạt được các mục tiêu chủ yếu như thu hút vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn KKT đạt 22.000 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư mới khoảng 30.000-35.000 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 1.000 tỷ đồng.

Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng một số khu đô thị của thành phố mới Chân Mây; hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách bố trí hàng năm; thu hút thêm 1-2 nhà đầu tư hạ tầng đô thị; bước đầu hình thành các thiết chế cơ bản của đô thị loại III trong tương lai, đảm bảo định hướng phát triển của một đô thị vệ tinh của đô thị hạt nhân Huế.

Bên cạnh đó, đưa giai đoạn I dự án Laguna Huế vào khai thác, tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn II, giai đoạn III và hoàn thiện đưa vào khai thác hai giai đoạn này vào năm 2015; hoàn thành, đưa vào khai thác dự án Khu du lịch Bãi Chuối và các dự án du lịch nghỉ dưỡng dọc biển Lăng Cô; hoàn thiện hạ tầng KCN, khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phấn đấu lấp đầy 50% diện tích.

KKT cũng thu hút thêm 2-3 nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng KCN, khu phi thuế quan; hoàn thành đưa vào khai thác dự án mở rộng kho chứa dầu và xây dựng cảng dầu, thu hút được 2-3 nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng cảng; hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trục giao thông chính quan trọng như đường ra cảng Chân Mây, hệ thống đường trục chính đô thị Chân Mây, các khu tái định cư Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lập An và Lộc Thuỷ, đường trục chính khu cảng Chân Mây...

Ngoài ra, sẽ lập đề án kêu gọi vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm trên địa bàn KKT; thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo các hình thức PPP, BOT, BT và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/1/2006 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2025 tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 5/12/2008.

Là một trong 15 KKT ven biển của cả nước, KKT Chân Mây - Lăng Cô nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. KKT có quy mô diện tích 27.100 ha, trong đó diện tích khai thác phát triển khu kinh tế khoảng 10.000 ha.

Các tin khác