Cho trẻ uống vaccine ngừa bại liệt ở châu Phi
Ca mắc bệnh bại liệt gần đây nhất của lục địa này do virus hoang dã gây ra đã được phát hiện vào ngày 21-8-2016 tại Nigeria. Dự kiến, châu Phi sẽ được chứng nhận chính thức không còn bệnh bại liệt vào đầu năm 2020 sau một quá trình đánh giá độc lập. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh có nguồn gốc từ vaccine vẫn còn là một thách thức.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực của WHO tại châu Phi, cho biết đây là tiến bộ chưa từng có của các chính phủ, đối tác và nhân viên y tế, những người đã triển khai các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để cung cấp vaccine và giáo dục cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa. Một khi châu Phi được tuyên bố không có bệnh bại liệt, 5/6 khu vực của WHO sẽ không có bệnh bại liệt. Chỉ còn khu vực Pakistan và Afghanistan vẫn còn bệnh này.
Các trường hợp do virus bại liệt hoang dã được tìm thấy trong tự nhiên đã giảm hơn 99% kể từ năm 1988, từ ước tính 350.000 trường hợp xuống còn 33 trường hợp được báo cáo vào năm 2018, theo WHO. Tuy nhiên, sự bùng phát của các chủng bại liệt có nguồn gốc từ vaccine đã xảy ra ở Cộng hòa Trung Phi, Somalia, Kenya, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria và Papua New Guinea trong những năm gần đây. Bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vaccine xảy ra khi các chủng virus bại liệt sống được sử dụng trong vaccine bại liệt bằng miệng gây đột biến, lây lan và trong một số trường hợp hiếm gặp, gây ra dịch.
Theo ông David Heymann, Giáo sư Dịch tễ học Bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, ngăn chặn sự xuất hiện và truyền bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vaccine cần được ưu tiên nếu căn bệnh này được xóa sổ khỏi châu Phi và phần còn lại của thế giới.