(ĐTTCO)-Nhà vườn trồng cây ăn trái, sản xuất hoa kiểng và các cơ sở chế biến thủy sản, làng nghề làm bánh mứt... ở ĐBSCL đang chạy nước rút để kịp cung ứng cho thị trường Tết Bính Thân 2016.
Tăng cường sản xuất
Ông Nguyễn Trường Chinh, chủ cơ sở chả hoa Năm Thụy (P.4, TP.Trà Vinh, Trà Vinh), cho biết hiện cơ sở đã chuẩn bị xong nguồn nguyên liệu và đang khởi động sản xuất hàng hóa phục vụ tết. Nếu như những ngày bình thường cơ sở sản xuất từ 1 - 2 tấn chả hoa, chả lụa, nem, pa tê… thì vào dịp tết sẽ nâng lên 5 tấn/ngày mới đủ cung ứng cho thị trường TP.HCM và ĐBSCL.
Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc, chủ một cơ sở bánh tét Trà Cuôn (xã Kim Hòa, H.Cầu Ngang, Trà Vinh), tiết lộ: “Bánh tét Trà Cuôn được nhiều người chuộng nên năm nào đến tết là làng nghề phải “chạy đua” sản xuất ngày đêm. Riêng cơ sở của tôi ngày thường làm gần 400 đòn bánh tét, nhưng vào dịp tết phải tăng lên hơn 8.000 đòn/ngày vậy mà vẫn không đủ bán cho khách hàng các nơi đặt mua”.
Chị Ba Loan, chủ cơ sở bánh tét Ba Loan (xã Kim Hòa), cho biết thêm: “Thật ra, có rất nhiều nơi làm bánh tét nhưng bánh Trà Cuôn được nhiều người “khoái ăn” bởi nó có những “bí quyết” riêng. Tết này, các cơ sở bánh tét Trà Cuôn sản xuất 3 loại: loại từ 900 gr trở lên giá 70.000 đồng/đòn, loại 800 gr giá 60.000 đồng/đòn, loại 700 gr giá 50.000 đồng/đòn; ngoài ra còn làm bánh tét chuối 40.000 đồng/đòn và bánh tét lá cẩm giá từ 60.000 - 80.000 đồng/đòn”.
Cũng là sản phẩm hút hàng trong dịp tết nên các cơ sở sản xuất tôm khô ở Trà Vinh đang tăng ca hoạt động. Bà Hai Khâm (Trần Thị Khâm), hộ sản xuất tôm khô Vinh Kim nổi tiếng (xã Vinh Kim, H.Cầu Ngang), bộc bạch: “Hiện thời nhu cầu khách đặt mua tôm khô khá nhiều nhưng cơ sở không dám nhận đại trà, bởi nguồn nguyên liệu năm nay khan hiếm, sợ không đủ cung cấp. Dự kiến tết này, cơ sở tôi chỉ làm hơn 200 kg tôm khô đặc sản, số lượng quá ít so với nhu cầu”.
Nếu như các làng nghề nhộn nhịp sản xuất thì nhiều nhà vườn ở ĐBSCL cũng đang chạy đua. Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) được xem là loại trái cây “hạng sang” phục vụ nhu cầu chưng cúng trong dịp tết bởi trái to, màu sắc đẹp. Ông Lưu Văn Tín, Tổ trưởng tổ quýt hồng VietGAP xã Long Hậu (H.Lai Vung), cho biết: “Gần 3 năm qua, khi quýt hồng Lai Vung đạt tiêu chuẩn thì thương hiệu vang xa và được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Nếu như vụ tết năm ngoái, hầu hết các thành viên sản xuất quýt hồng VietGAP đều thắng lớn (có hộ lời hơn 1 tỉ đồng) nhờ bán được giá cao, thì hiện nay tập trung lo cho chất lượng, màu sắc đẹp để tung ra thị trường tết”. Theo ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT H.Lai Vung, dự kiến tết này nông dân trong huyện sẽ cung ứng ra thị trường từ 30.000 - 35.000 tấn quýt hồng đặc sản.
Ổn định giá cả
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Ngoài các sản phẩm ngon từ làng nghề truyền thống, tỉnh cũng chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào cung ứng cho thị trường TP.HCM, các tỉnh và phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương. Trước mắt đã có khoảng 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp tết, với tổng kinh phí dự trữ hàng hóa khoảng 31 tỉ đồng”.
Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Bính Thân dự kiến tăng khoảng 15% so với tết năm 2015. Do đó, Sở đề nghị các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị… tăng cường sản xuất và chuẩn bị lượng hàng hóa đảm bảo cho bà con mua sắm. Các đơn vị như: Công ty TNHH Tiền Giang - Sài Gòn, HTX Vĩnh Kim, HTX Thương mại dịch vụ P.1, Công ty Lương thực Tiền Giang, DNTN TMDV Thành Phát… đã đăng ký tham gia cung ứng hàng hóa tết với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, thịt, bánh mứt, thức uống...
Ông Nhị Văn Khải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ nay đến tết 2016, các bộ phận chuyên môn thuộc sở và Chi cục QLTT sẽ tăng cường kiểm tra để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, bán sản phẩm kém chất lượng… Quan điểm chung là hàng hóa không thiếu, các điểm bán từ thành thị đến nông thôn phải đầy đủ để bà con mua sắm thuận tiện; đồng thời không để xảy ra “sốt” giá hoặc chặt chém người mua...
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu