Để ngăn chặn từ xa thất thoát trong quá trình chỉ định thầu thi công các dự án thành phần trong thời gian tới, cần cơ quan giám sát độc lập cấp bộ để giám sát quá trình chỉ định thầu các dự án.
Về nguyên tắc quy trình chỉ định thầu và đấu thầu rộng rãi không khác nhau nhiều, nếu cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT đưa ra đề bài khách quan, trung thực, hồ sơ chỉ định thầu và hồ sơ đấu thầu rộng rãi không khác biệt nhiều. Quan trọng nhất lúc này là năng lực của cơ quan quản lý dự án và cơ quan nào giám sát quá trình chỉ định thầu các dự án.
Chỉ định thầu thực hiện các dự án quy mô lớn như cao tốc Bắc - Nam là một biệt lệ, vì vậy cơ quan giám sát cũng phải biệt lệ. Kết quả chỉ định thầu các dự án cũng phải thẩm định kỹ như kết quả lựa chọn kết quả đấu thầu rộng rãi. Thêm một khâu thẩm định kết quả chỉ định thầu có thể mất thêm một thời gian.
Nhưng trong hoàn cảnh chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam là cần thiết để lường trước các rủi ro có thể xảy ra. Trường hợp cần thiết phải thẩm định cả hồ sơ chỉ định thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới.
Về nguyên tắc cơ quan thẩm định phải độc lập hoàn toàn với cơ quan thực hiện quy trình chỉ định thầu 12 dự án là Bộ GTVT. Cơ quan thẩm định kết quả chỉ định thầu các dự án thành phần này phải ngang hàng với Bộ GTVT.
Như vậy, cơ quan này có thể là Bộ Kế hoạch - Đầu tư (cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý đấu thầu hiện nay) hoặc một ủy ban của Quốc hội. Bởi đây là dự án quan trọng quốc gia, ảnh hưởng tới sự phát triển đất nước. Vấn đề đặt ra với cơ quan thẩm định kết quả chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam là phải làm nhanh, có đủ đội ngũ chuyên gia giỏi, đủ phẩm chất, bảo đảm tính khách quan.
Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý cơ chế đặc biệt là chỉ định thầu thi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam nên cũng cần một cơ chế giám sát đặc biệt để bảo đảm không thất thoát trong quá trình thực hiện dự án.
Đã cho chỉ định thầu phải giám sát chặt để tránh rủi ro. Chỉ định thầu có thể giảm thời gian chuẩn bị đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, nhưng không thể phủ nhận đấu thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch vẫn là công cụ tốt nhất để thực hiện các dự án. Biện pháp chỉ định thầu hiện nay được thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, bảo đảm mục tiêu lớn là kích thích đầu tư công, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Vì vậy cần xây dựng quy chế về chỉ định thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, cơ quan giám sát thực hiện dự án, bởi chỉ cần thất thoát 1% vốn đầu tư các dự án thì con số sẽ rất lớn.
Mất thêm ít thời gian để dự án hiệu quả hơn là rất cần thiết, nếu chỉ nói cho chỉ định thầu mà không làm rõ cơ chế thực hiện thế nào cho hiệu quả sẽ rất nguy hiểm.
12 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Tổng vốn tư 146.990 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026. 1. Bãi Vọt - Hàm Nghi, 36km, vốn đầu tư 7.403 tỷ đồng; 2. Hàm Nghi - Vũng Áng, 54km, vốn đầu tư 10.185 tỷ đồng; 3. Vũng Áng - Bùng, 58km, vốn đầu tư 11.785 tỷ đồng; 4. Bùng - Vạn Ninh, 51km, vốn đầu tư 10.526 tỷ đồng; 5. Vạn Ninh - Cam Lộ, 68km, vốn đầu tư 10.591 tỷ đồng; 6. Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, 88km, vốn đầu tư 20.898 tỷ đồng; 7. Hoài Nhơn - Quy Nhơn, 69km, vốn đầu tư 12.544 tỷ đồng; 8. Quy Nhơn - Chí Thạnh, 62km, vốn đầu tư 12.298 tỷ đồng; 9. Chí Thạnh - Vân Phong, 51km, vốn đầu tư 10.601 tỷ đồng; 10. Vân Phong - Nha Trang, 83km, vốn đầu tư 12.906 tỷ đồng; 11. Cần Thơ - Hậu Giang, 37km, vốn đầu tư 9.786 tỷ đồng; 12. Hậu Giang - Cà Mau, 72km, vốn đầu tư 17.485 tỷ đồng. |