Chưa có NH số thuần túy
Theo các chuyên gia IBM, mô hình NH số được phân chia làm 4 hình thái. Hình thái A là một thương hiệu NH số. Cụ thể, nhiều NH truyền thống lâu đời nhận tiếp cận nhóm khách hàng trẻ nhưng cũng không muốn làm thay đổi hình ảnh với các khách hàng hiện hữu.
Theo các chuyên gia IBM, mô hình NH số được phân chia làm 4 hình thái. Hình thái A là một thương hiệu NH số. Cụ thể, nhiều NH truyền thống lâu đời nhận tiếp cận nhóm khách hàng trẻ nhưng cũng không muốn làm thay đổi hình ảnh với các khách hàng hiện hữu.
Có nghĩa đã thiết lập thương hiệu NH số mới thông qua thiết kế các sản phẩm, chính sách bán hàng và quảng bá thu hút phân khúc khách hàng trẻ. Đây là chiến lược an toàn và tận dụng tối đa các nguồn lực của chính NH mẹ.
Hình thái B là kênh phân phối NH số nhằm nâng cao hơn hình thái A. Hình thái này cung cấp các ứng dụng trực tuyến và di động mới tập trung vào trải nghiệm của người dùng, sử dụng lại văn phòng và giấy phép hoạt động NH truyền thống hiện có.
Sau đó, họ xây dựng và phát hành sản phẩm và dịch vụ với giao diện người dùng nâng cao, hoàn toàn khác với sản phẩm dịch vụ NH hiện hữu đang có.
Hình thái C là NH số như một công ty con trực thuộc, là một mô hình NH độc lập với toàn bộ hệ thống, hoàn toàn tách khỏi công ty mẹ.
Hình thái D là NH số thuần túy, xây dựng giá trị sản phẩm hoàn toàn dựa trên nền tảng cốt lõi công nghệ số. Một số NH được xây dựng theo hình thái này có thể không tồn tại chi nhánh nào. Khách hàng của các NH này sẽ tương tác với NH chủ yếu thông qua các kênh kỹ thuật số.
Dựa trên 4 hình thái NH số, các NH Việt Nam mới dừng ở hình thái A và B. Mạng lưới hoạt động, kênh phân phối vẫn phụ thuộc vào mô hình NH truyền thống, các sản phẩm dịch vụ được thiết kế lại để phù hợp hơn với xu hướng và phân khúc khách hàng mới.
Hiện chỉ có 1 ứng viên đã mạnh dạn tách hẳn kênh phân phối của họ thành chi nhánh hoạt động độc lập trên nền tảng số, những sản phẩm và dịch vụ, chính sách bán hàng hoàn toàn độc lập (hình thái C) là Timo và TPBank. Nhưng thực chất đây cũng chỉ là một nhân tố tham gia lĩnh vực tài chính với tư cách là NH số và phải hợp tác với NH truyền thống để tạo ra trải nghiệm cho khách hàng.
Còn dịch vụ Vietcombank ra mắt mới đây là NH số VCB Digibank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây của NH, cũng chỉ được đánh giá ở hình thái B.
Và nếu so với khái niệm NH số thuần túy là NH được số hóa hoàn toàn, chỉ giao tiếp với khách hàng trên các ứng dụng di động hay máy tính cá nhân, không có hệ thống chi nhánh như các NH truyền thống, tích cực sử dụng các công nghệ tài chính, có thể nói Việt Nam vẫn chưa có NH số thực sự.
Đa số ý kiến cho rằng NH số tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn hình thành, hay nói cách khác các NH mới ở bước chuyển đổi số, số hóa, sử dụng công nghệ trong hoạt động.
Rào cản còn lớn
Một chuyên gia về công nghệ NH chia sẻ, hiện nay tất cả NH đều có xu hướng áp dụng công nghệ trong hoạt động nhưng mức độ đến đâu không ai đánh giá được. Vì các NH chỉ trình bày định hướng phát triển, giải trình sẽ trích ra một khoản để đầu tư đẩy mạnh áp dụng công nghệ, nhưng không có thông tin chi tiết.
NH số tại Việt Nam đang ở giai đoạn hình thành, hay nói cách khác các NH mới ở bước chuyển đổi số, số hóa, sử dụng công nghệ trong hoạt động. |
Vì vậy, hầu hết NH đều nói đang ở giai đoạn phát triển NH số, nhưng khi nào tiến tới NH số thực sự vẫn là câu hỏi lớn. Kể cả một số NH lớn như Vietcombank, Vietinbank cũng chỉ đang trong giai đoạn chuyển giao để biến thành một NH số. Tình trạng chung hiện nay là NH truyền thống vẫn phổ biến và số hóa đạt khoảng 30-40%.
Nguyên nhân của vấn đề là việc phổ cập về sử dụng mobile banking, online banking trong người dân đến nay còn hạn chế. Đó cũng là lý do hàng năm World Bank sẵn sàng chi tiền cho Việt Nam phát triển mảng tài chính toàn diện và phát triển kiến thức tài chính cho cộng đồng.
Hơn nữa, kinh phí đầu tư cho mảng này không nhỏ, chuyển đổi số đơn giản sẽ ngốn hàng chục tỷ đồng, nhưng nếu đầu tư bài bản có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chính vì vướng vấn đề kinh phí, trong khi các NH nước ngoài mạnh tay đầu tư số hóa cho NH con để tách ra phát triển độc lập (trên bảng cân đối kế toán sẽ là hợp nhất với NH mẹ), các NH Việt Nam chủ yếu đang áp dụng công nghệ cho chính NH mẹ, không tách ra. Mô hình phát triển như ở Việt Nam sẽ dễ quản lý hơn nhưng còn nửa vời.
Đáng nói, NH số còn đối mặt với rào cản rất quan trọng là hành lang pháp lý. Muốn NH số phát triển, tất cả giao dịch của khách hàng diễn ra mọi lúc mọi nơi, thay vì bắt buộc khách hàng phải đến các chi nhánh NH xuất trình CMND, xác thực chữ ký trên nhiều mẫu biểu chứng từ, thông tin cá nhân của khách hàng cũng phải khai báo và lặp lại ở nhiều bước.
Nhưng để làm được điều đó cần đồng bộ hệ thống Căn cước công dân điện tử (eID) và hệ thống nhận diện khách hàng trực tuyến (eKYC). Hiện nay chỉ có một số NH như VPBank, TPBank, HDBank, Bản Việt... được phép triển khai thí điểm áp dụng phương thức định danh điện tử (eKYC).
Một vướng mắc pháp lý nữa là Luật Giao dịch điện tử đã được Chính phủ ban hành, nhưng chỉ quy định ở góc độ giao dịch điện tử, thương mại điện tử của NH. Các quy định về chữ ký số, chứng từ điện tử, tính pháp lý khi xảy ra tranh chấp chưa có.
Do đó, NH số đúng nghĩa chỉ có thể hoạt động khi đồng nhất từ nền tảng hạ tầng đến vấn đề pháp lý, tức phải làm thế nào để chứng từ điện tử, chữ ký điện tử được công nhận và được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng.
Ngoài ra, việc bảo mật quyền riêng tư, thông tin cá nhân cũng ảnh hưởng đến việc triển khai. Bởi việc phân quyền truy cập, dữ liệu nào được bộ phận, đơn vị nào truy cập phải được xây dựng chi tiết cùng với sự đồng ý của người dùng và cơ quan thực thi pháp luật quy định.