Trong một khảo sát mới đây tại 14 quốc gia do Công ty quản lý nguồn nhân lực Lumesse tiến hành, một bất ngờ xảy ra khi Singapore đứng chót bảng về thái độ đối với nơi làm việc và hạnh phúc của người lao động.
Trong khảo sát này, 4.000 người lao động thuộc nhiều ngành, nghề tại các quốc gia khác nhau được hỏi họ hạnh phúc như thế nào trong công việc, có cảm thấy những kỹ năng của mình được sử dụng đúng mức, cơ hội được học tập và nâng cao kiến thức - kỹ năng, thăng tiến nghề nghiệp có mở rộng hay không?
Kết quả khảo sát cho thấy người Singapore tuy thích thú trong công việc nhưng lại ít trung thành nhất và thiếu sự hỗ trợ trong môi trường làm việc.
Những thông tin này quả là trái khoáy đối với một quốc gia có nền kinh tế phát triển liên tục và ổn định trong nhiều năm qua với môi trường, điều kiện làm việc, phúc lợi cho người lao động ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, điều này cho thấy những thách thức mà bất cứ quốc gia hay doanh nghiệp nào cũng phải vượt qua. Nói cách khác, phát triển kinh tế, thành đạt trong kinh doanh, thăng tiến nghề nghiệp sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như chúng ta không cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.
Hành trình tìm kiếm hạnh phúc của con người chẳng phải là chuyện mới. Nhưng làm thế nào để định lượng và đo lường được nó? Theo GS. Peter Singer của Trường Đại học Princeton, Hoa Kỳ, hạnh phúc có thể được xem là thặng dư của những cảm giác sung sướng so với những nỗi đau mà con người phải trải qua trong cuộc đời.
Theo cách tính này, người ta lấy tổng số những thời điểm hay sự kiện mà mình cảm thấy hạnh phúc trừ đi tổng số thời điểm hay sự kiện không hạnh phúc. Nếu số dương bạn là người hạnh phúc, nếu số âm bạn không hạnh phúc.
Một cách tính hạnh phúc khác nữa là câu hỏi: “Bạn đã thỏa mãn như thế nào với cuộc sống của mình từ trước đến nay?”. Nếu câu trả lời là “thỏa mãn” hay “rất thỏa mãn” xem như bạn là người hạnh phúc. Thế nhưng vấn đề là ở chỗ mỗi cá nhân đều hiểu hạnh phúc theo cách khác nhau.
Cũng theo GS. Peter Singer, với cách tính thứ nhất, những nước nghèo như Nigeria, Puerto Rico... đạt chỉ số cao nhất và điều này phản ảnh văn hóa dân tộc chứ không hẳn là những thông số khách quan về y tế, giáo dục và mức sống.
Còn theo cách tính thứ hai, những quốc gia giàu có như Đan Mạch, Thụy Sĩ đứng đầu, nhưng cũng không chắc những người trả lời câu hỏi này có cách hiểu như nhau. Làm thế nào để đo lường được hạnh phúc quả là chuyện không đơn giản.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu của Chính phủ Bhutan đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với 8.000 người dân nước này để thu thập những thông tin mang tính chủ quan về sự thỏa mãn của họ với cuộc sống hiện tại.
Chính phủ nước này còn thành lập Ủy ban Tổng hạnh phúc Quốc gia (GHN) do đích thân Thủ tướng làm Chủ tịch để giám sát tất cả đề nghị mới về chính sách của các bộ, ngành đưa ra. Nếu một chính sách nào đó mâu thuẫn với GHN sẽ được trả lại để xem xét, điều chỉnh.
Vào tháng 7-2011, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết dựa trên sáng kiến của Bhutan về việc tìm kiếm hạnh phúc như mục tiêu nền tảng của nhân loại. Nghị quyết này mời gọi các quốc gia thành viên triển khai những biện pháp bổ sung để làm sao đạt được mục tiêu hạnh phúc.
Theo đề nghị của Bhutan, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã nhóm họp hội nghị bàn tròn bàn về hạnh phúc trong phiên họp lần thứ 66 diễn ra trong tháng 9-2011.
Hoạt động này là một phần của những phong trào cổ động và thúc đẩy chính phủ các nước quan tâm hơn nữa đến những chính sách làm cho người dân cảm thấy hạnh phúc hơn. Hạnh phúc giờ đây không còn là chuyện cá nhân mà đã trở thành quốc gia đại sự và mang tính toàn cầu.
Năm mới, mọi lời chúc tụng hoa mỹ cũng quy về hai chữ “Hạnh phúc”. Bởi cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu như con người không cảm thấy hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải là thứ có sẵn và miễn phí mà chúng ta dễ dàng có được.
Hạnh phúc chỉ có khi con người nhận thức đầy đủ về nó, chấp nhận những gian nan, thử thách trên hành trình tìm kiếm nó.
Để được là một người hạnh phúc, không có gì khác hơn bạn phải liên tục trau dồi nhân cách, hướng đến một cuộc sống gia đình lành mạnh, làm việc hết sức mình đóng góp vào sự phát triển của cơ quan hay doanh nghiệp, tham gia xây dựng cộng đồng, xã hội và cống hiến cho sự vững mạnh, trường tồn của Tổ quốc thân yêu.
Singapore, ngày 27-12-2011