Ở tuổi 62, danh hài Chí Tài vẫn ở phong độ đỉnh cao nghề nghiệp. Dù đã bị tiểu đường nhiều năm, nhưng ông vẫn chăm chỉ rèn luyện thể lực để có thể chạy show liên tục từ Nam ra Bắc. Ngoài vai diễn trong bộ phim “Kiếm chồng cho mẹ chồng” đang quay dang dở, Chí Tài còn có kế hoạch xuất hiện trong chương trình “Duyên” diễn ra ngày 26-12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội. Thế nhưng, tất cả đã khép lại vì định mệnh trớ trêu.
Sau khi thành danh ở hải ngoại, danh hài Chí Tài về nước hoạt động nghệ thuật suốt 20 năm qua. Tất nhiên, tôn xưng “danh hài” do khán giả ưu ái ban tặng, còn ông chưa bao giờ tự nhận như vậy. Thiết nghĩ, gọi ông là danh hài cũng không có gì quá ngoa ngôn. Bởi lẽ, trong dòng chảy show biz vàng thau lẫn lộn hiện nay, danh hài Chí Tài có bản sắc riêng và có sự tận tụy cống hiến đáng khen ngợi.
Không thể phủ nhận, nghệ sĩ Chí Tài có gương mặt đậm chất hài hước. Và dường như ông sinh ra để diễn hài, dù trước đó ông từng có sự chọn lựa khác. Đám đông thường nắc nỏm về sự đa tài của ông như chơi ghita, hòa âm, ca hát… Thế nhưng, nếu ông không bước lên sân khấu tấu hài e chừng tên tuổi Chí Tài vẫn nhập nhòa lắm. Thậm chí, những ca khúc do ông sáng tác như “Tình muộn”, “Em ở đâu” hoặc “Anh không thể quên em”, cũng chỉ là những bài hát thường thường bậc trung. Ngay cả chuyện ông ôm đàn hát “Nhỏ ơi” được tán thưởng khắp nơi, cũng phải thật khách quan để thấy rằng những tràng vỗ tay kia dành cho tiết mục giao lưu của danh hài, không phải dành cho tiết mục trình diễn của một ca sĩ. Nói cách khác, cái duyên trên sân khấu tấu hài đã hắt hào quang sang những hoạt động show biz khác của Chí Tài.
Tuy nhiên, đóng góp của Chí Tài cho sân khấu hài ra sao, lại là câu chuyện cần đánh giá nghiêm túc và sòng phẳng. Sau khi cùng gia đình định cư tại Mỹ năm 1981, Chí Tài cùng hai người anh là Chí Thiện và Chí Thái lập ban nhạc Anh Em Chí Tài để chơi nhạc trong cộng đồng nhỏ Việt kiều. Về sau, ban nhạc có thêm hai giọng ca là Phương Loan (vợ của Chí Tài) và Trịnh Nam Sơn (tác giả ca khúc “Con đường màu xanh”). Có ít sân chơi, nên ban nhạc Anh Em Chí Tài chỉ hoạt động khá nghiệp dư. Một lần biểu diễn trong chương trình tạp kỹ, vì một diễn viên hài bỗng dưng vắng mặt, Chí Tài được bầu show đề nghị thay thế với lý do “nhìn cậu cũng có vẻ hề hề”. Đó là ngã rẽ bất ngờ của duyên phận. Sau lần thử sức ấy, Chí Tài chuyển hẳn sang diễn hài, và ban nhạc Anh Em Chí Tài cũng tan rã.
Ở hải ngoại, Chí Tài tham gia nhóm hài cùng Vân Sơn và Bảo Liêm gần 10 năm. Cách tung hứng giữa Chí Tài với Vân Sơn và Bảo Liêm cũng hiệu quả, nhưng chủ yếu chọc cười kiểu cù loét thiên hạ. Năm 1997, Chí Tài được một bầu show đề nghị kết hợp với Hoài Linh, đã thực sự mở ra con đường mới cho cả hai. Cặp tấu hài Chí Tài - Hoài Linh tuy cách biệt nhau 11 tuổi nhưng lại rất hiểu ý nhau. Hai người dắt dìu nhau vươn lên thành thương hiệu tấu hài số một tại các show tạp kỹ người Việt ở nước ngoài. Năm 2000, Chí Tài và Hoài Linh cùng về nước dự phần vào đời sống show biz Việt đang nở rộ.
Cả danh hài Chí Tài và Hoài Linh đều không được đào tạo bài bản về nghệ thuật diễn xuất. Nếu Hoài Linh còn được học múa dân tộc, Chí Tài chỉ được học ghita. Thế nhưng, thật thú vị, khi họ đều thể hiện được năng khiếu bẩm sinh và biết cách rèn luyện để phô diễn khả năng tấu hài ngày càng đắc dụng, như chính Hoài Linh thổ lộ về yếu tố giúp họ thành cặp bài trùng: “Cái duyên “trầm” ở Chí Tài có thể tương tác cùng cái duyên “bổng” của tôi, nên tôi đồng ý. Sự kết hợp này đã nâng cánh cho chúng tôi thăng hoa trên con đường nghệ thuật. Điều đáng quý nhất là suốt chừng ấy thời gian, chúng tôi chưa từng có mâu thuẫn nào xảy ra”.
Nếu Hoài Linh có lối hóa thân đa dạng nhờ phát huy được sở trường về thể hình mềm mại và khéo léo, Chí Tài lại xuất hiện như một nét cười bình dị. Ông có khuôn mặt, ánh mắt và bộ ria vừa có vẻ láu lỉnh lại vừa có vẻ ngây ngô, dễ khiến người khác buồn cười. Chỉ dáng điệu ấy bước lên sân khấu đã có thể chọc cười. Nhưng Chí Tài còn biết nhấn nhá ngôn từ và giọng cười theo hướng dân dã, nên rất được công chúng yêu thích. Ông rất giỏi khi làm toát lên được chất hài hước của những người lạc lõng, người thua thiệt, kẻ yếu thế. Dù không thể đem lại tiếng cười sâu sắc và chua cay cho nghệ thuật hài, nhưng ông đã đem đến tiếng cười nhẹ nhàng và thoải mái cho quần chúng lao động. Nói cách khác, danh hài Chí Tài là dạng ngôi sao của giới bình dân, cười cho quên mệt nhọc, cười để giải khuây chốc lát.
Nét duyên của danh hài Chí Tài đã được các đạo diễn khai thác tối đa ở phim trường. Trong các bộ phim “Công chúa teen và ngũ hổ tướng”, “Kỳ phùng địch thủ”, “Lâu đài tình ái” hoặc “Trúng số”, những vai diễn của Chí Tài trên điện ảnh không khác trên sân khấu. Đó là những vai diễn chỉ nhằm tăng thêm màu sắc vui nhộn cho bộ phim, giống như nhân vật anh hề trong những vở chèo.
Tuy nhiên, ông có vai diễn tương đối ấn tượng trên màn ảnh, đó là vai Năm Triều trong bộ phim “Dạ cổ hoài lang” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Xem phim “Dạ cổ hoài lang”, khán giả không còn nhận ra một danh hài Chí Tài vẫn hay chọc cười nữa, mà là một ông Năm Triều khắc khoải với nỗi niềm tha hương cầu thực. Sự trải nghiệm của bản thân nhiều năm nơi đất khách, đã giúp danh hài Chí Tài có được vai Năm Triều trong bộ phim “Dạ cổ hoài lang”, khác hẳn vai Năm Triều từng có trên sàn diễn kịch nói. Vai Năm Triều của Chí Tài và vai Tư Lành của Hoài Linh trong bộ phim “Dạ cổ hoài lang” đã chứng minh họ là nghệ sĩ có đẳng cấp thực sự.
Danh hài Chí Tài vào nghề chọc cười khá muộn màng, nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần rộng lớn người hâm mộ suốt 20 năm qua. Điều nhiều nghệ sĩ trẻ cần học hỏi ở ông là lối sống hòa đồng và hiền lành. Ông luôn đối xử vui vẻ và chân thành với tất cả bạn bè và những người xung quanh. Ông cũng không bao giờ khoa trương về sự thành đạt hay giàu có của mình. Và nay ông đã đi xa, nhưng nét cười bình dị của danh hài vẫn còn trong lòng công chúng.