Linh vật rắn hổ mang tại Đà Nẵng, đặt tại công viên phía Tây cầu Rồng, cao 5 m, phần mang phồng rộng 2,6 m, thân uốn lượn dài hàng chục mét, với màu vàng chủ đạo từ đầu đến đuôi, tạo nên thần thái sinh động và sắc nét.
Đôi linh vật rắn màu đỏ cao 4,7m, linh vật rắn màu xanh cao 4,9m được đặt công viên trường Quốc học Huế, TP Huế. Thiết kế lấy cảm hứng từ Cửu Đỉnh, kết tinh tinh hoa văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Ở Bình Định, biểu tượng linh vật Tết tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, với điểm nhấn là rắn thần Naga 5 trong văn hóa Champa, cao 5,5m, nổi bật trên nền cụm tháp Dương Long – di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Tại Phú Yên, linh vật rắn hổ mang chúa - Kim Tỵ Phú Quý, tại đường hoa Xuân Ất Tỵ 2025 có chiều cao gần 11m, dài 135m được lấy ý tưởng từ chủ đề chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng điện toán đám mây.
Tại đường hoa Tết ở quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku, Gia Lai, linh vật rắn khoác trang phục thổ cẩm, quàng khăn thu hút sự chú ý. Rắn vàng, rắn bạc tượng trưng cho tài lộc, ấm no, kết hợp với nét đẹp truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.
Đôi rắn ở Quảng Ngãi có màu cam và xanh, tạo dáng hình trái tim, đặt tại đài phun nước trung tâm công viên Ba Tơ. Thân rắn được trang trí những đốm hoa mai tượng trưng cho mùa xuân.
Đại cảnh linh vật rắn được bài trí ở hội hoa xuân trên đường Phạm Văn Đồng, TP Bà Rịa. Hai con rắn lớn dài lần lượt hơn 60 m, 50 m được uốn ba vòng và 5 chú rắn kích cỡ nhỏ được đặt trên bệ.
Cụm linh vật ở đường Nguyễn Tất Thành, Bạc Liêu, với mô hình rắn cách điệu quấn quanh thỏi vàng tượng trưng cho tài lộc, sung túc, phát triển, ấm no; hoa mai đua nở báo hiệu mùa xuân về; hoa văn trống đồng tượng trưng văn hóa dân tộc.