Cần chiến lược phát triển
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, lĩnh vực ICT đã, đang và tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Năm 2019, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT đạt 112,35 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 91,5 tỷ USD, tăng 102% so với năm 2018.
Công nghiệp ICT đã trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn trong GDP cả nước với khoảng 5,59% năm 2018, đến năm 2019 (7,55%) và năm 2020 dự kiến đóng góp khoảng 7,3%; nếu tính cả khối FDI thì công nghiệp ICT đóng góp trên 16% GDP. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, ICT càng thể hiện vai trò quan trọng trong thời đại kinh tế số, với mức tăng trưởng dự báo tương đối cao, 7,5% trong năm 2020.
Tuy nhiên theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT, các con số cũng cho thấy sự phát triển thiếu bền vững khi còn phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI. Do vậy, chúng ta cần thực hiện chiến lược phát triển mới đi bằng hai chân. Đối với FDI là thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị, tiếp tục thu hút đầu tư FDI nhưng là FDI chất lượng cao. Ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ số, các dự án có tính lan tỏa, tạo chuỗi của doanh nghiệp trong nước...
Đối với công nghiệp ICT trong nước, đó là thực hiện chiến lược Make in Vietnam hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, tự cường thông qua việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số làm chủ các khâu sáng tạo, thiết kế sản phẩm dịch vụ, những công đoạn có giá trị gia tăng cao.
“Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ tiên phong thực hiện đột phá chiến lược về khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu phát triển, tạo ra các sản phẩm giải quyết các bài toán Việt Nam; cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ phát triển các khu vực kinh tế thành thị và nông thôn; đưa ứng dụng công nghệ vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển”, Thứ trưởng Phan Tâm kỳ vọng.
Nhiều kinh nghiệm, giải pháp
Tại triển lãm, nhiều doanh nghiệp mang công nghệ, giải pháp đến trình diễn, giới thiệu như Viettel, Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, Công ty Turb với giải pháp AI Smart warning chuyên nhận diện hành động qua camera. MISA mang tới hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số đã và đang góp phần thúc đẩy nhanh chóng công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trong hệ sinh thái này, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS được chia làm 4 mảng chính: tài chính, bán hàng, nhân sự và điều hành, với hàng chục ứng dụng nhỏ, đáp ứng nghiệp vụ của tất cả các phòng ban, phù hợp với doanh nghiệp mọi quy mô. Nền tảng hiện đang được ứng dụng tại hơn 175.000 doanh nghiệp trên cả nước. Hay nền tảng quản lý tài chính nhà nước MISA FinGov - hợp nhất mọi nghiệp vụ quản lý tài chính nhà nước trên cùng hệ thống, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính nhà nước với hệ thống các phần mềm: kế toán, quản lý ngân sách, quyết toán tài chính, phần mềm phân tích tài chính, quản lý tài sản…
Bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết: “Thị trường là yếu tố quyết định. Đó là lý do vì sao Viettel luôn mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đến nay Viettel đã phủ sóng 100% lãnh thổ Việt Nam và việc người dân dùng di động để kết nối đã quá dễ dàng”.
Không chỉ thị trường Việt Nam, hiện Viettel có mặt tại 10 thị trường quốc tế. Quý 3-2020, các chỉ tiêu kinh doanh của Tổng công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global, thành viên của Tập đoàn Viettel) tăng mạnQh: dòng tiền ròng tăng 56% so cùng kỳ năm 2019, dòng tiền chuyển về nước đạt 86,5 triệu USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020, dù các thị trường nước ngoài của Viettel đối mặt với nhiều bất lợi do ảnh hưởng của Covid-19… nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, cả 10 thị trường nước ngoài của Viettel đều hoàn thành kế hoạch. Nhờ đó, doanh thu dịch vụ của Viettel Global đạt 104% kế hoạch, tăng trưởng 18,4% so với cùng kỳ.
Góp ý cho sự phát triển sản phẩm CNTT Make in Vietnam, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết, QTSC đã ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý điều hành, hướng đến xây dựng đô thị phần mềm xanh, thông minh. Hiện sản phẩm CNTT Make in Vietnam tại QTSC thừa sức đáp ứng các mô hình quản lý thông minh và sẵn sàng chuyển giao công nghệ.
“Để tiếp tục phát triển, QTSC đang là hạt nhân trong phát triển chuỗi công viên phần mềm để gia tăng giá trị của QTSC, tạo thêm nhiều giá trị cho ngành ICT các khu vực khác. QTSC phát triển sản phẩm CNTT Make in Vietnam trên tinh thần mang kinh nghiệm và công nghệ của mình đóng góp cho địa phương khác”, ông Lâm Nguyễn Hải Long nói.