Khi người dân các nước Scandinavia và gần như mọi nước khác ở châu Âu dành phần lớn thời gian của họ ở nhà theo lệnh của chính phủ, người Thụy Điển cuối tuần qua vẫn ra quán cà phê tận hưởng ánh mặt trời mùa xuân và thưởng thức món cá trích ngâm ở các nhà hàng.
Biên giới Thụy Điển vẫn mở, cũng như rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, quán rượu và trường học cho học sinh dưới 16 tuổi, theo bài viết của Economist.
Hạn chế ở mức tối thiểu: chính phủ khuyến cáo tất cả mọi người nên rửa tay thường xuyên, những ai có thể nên làm việc tại nhà và những người cảm thấy ốm yếu hoặc trên 70 tuổi nên tự cách ly. Những người đó bao gồm nhà vua Gustaf và hoàng hậu Silvia - họ đang tự cách ly trong một lâu đài.
Trong khi các nước chăm chú dõi theo Thụy Điển để xem đây có thể là một sự thay thế cho các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đang được áp dụng ở nhiều nước không, bộ trưởng Y tế Thụy Điển bác bỏ việc nước này "khác người" và duy trì lối sống "vẫn như ngày thường" giữa lúc dịch bệnh lây lan.
Chỉ đến ngày 29/3, Thụy Điển mới bắt đầu cấm tụ tập hơn 50 người, dù những biện pháp mạnh tay hơn có thể sắp đến.
Người dân ngắm hoa anh đào nở tại công viên Kungstradgarden ở Stockholm, Thụy Điển, hôm 28/3. Ảnh:AFP. |
"Tin tưởng nhau là chính"
Anh có cách tiếp cận nhẹ tay tương tự như vậy cho đến ngày 23/3, nhưng sau đó chính phủ đã thực hiện phong tỏa trên toàn quốc.
Khi số ca nhiễm và tử vong được báo cáo trong số 10 triệu dân của Thụy Điển đã tăng lên đến lần lượt 4.947 và 239 vào ngày 31/3, nhiều người dự đoán rằng Thụy Điển sẽ sớm làm theo phần còn lại của châu Âu. Một số người sợ rằng Thụy Điển có thể đã lãng phí thời gian quý báu.
Một thuộc tính cố hữu của khế ước xã hội tại Thụy Điển là công dân tin tưởng vào nhà nước và được nhà nước tin tưởng, cũng như công dân tin tưởng lẫn nhau, Economist dẫn nhà sử học Lars Traghardt. Theo đó, người Thụy Điển có thể đáng tin cậy trong việc tự giác tuân thủ quy định và tự điều chỉnh.
"Mọi người phải có trách nhiệm đối với sức khỏe của mình, đối với hàng xóm và đối với cộng đồng địa phương. Điều này được áp dụng cho tình huống bình thường và cũng được áp dụng cho tình huống khủng hoảng", Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết trong một cuộc họp báo, theo AFP.
Ông Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển, nói đùa rằng "người Thụy Điển, đặc biệt là thế hệ cũ, dù sao đi nữa cũng có khuynh hướng xa cách xã hội từ trong máu thịt".
Hơn một nửa số hộ gia đình Thụy Điển chỉ có một người, khiến nước này trở thành nơi có nhiều hộ một người nhất thế giới. Đất nước rất thưa dân, và người Thụy Điển không hôn hay ôm nhiều như người Nam Âu.
So với các nước, giới lãnh đạo doanh nghiệp ở Thụy Điển đã lên tiếng nhiều hơn để phản đối biện pháp phong tỏa toàn quốc.
Ông Jacob Wallenberg, chủ tịch của Investor, một công ty đầu tư, đã cảnh báo về tình trạng bất ổn xã hội, bạo lực, thất nghiệp nghiêm trọng và nhiều tổn thất nếu dịch Covid-19 kéo dài một cuộc phỏng vấn với Financial Times.
Ông Johan Torgwise, giám đốc điều hành của ngân hàng SEB, lo lắng về nguy sơ nảy sinh một cuộc khủng hoảng ngân hàng ngoài khủng hoảng kinh tế và y tế.
Một người mang khẩu trang trên phố Stockholm, Thụy Điển, hôm 2/4. Ảnh:AFP. |
Cho đến nay, chính sách của Thủ tướng Stefan Lofven được định hướng bởi Cơ quan Y tế Công cộng độc lập. Ông Anders Tegnell, nhà dịch tễ học của cơ quan này, khuyến cáo chính phủ nên để virus lây lan càng chậm càng tốt, cùng lúc chăm sóc cho những người dễ tổn thương, cho đến khi dân số đạt được miễn dịch tự nhiên hoặc vaccine sẵn sàng.
Công chúng Thụy Điển dường như hài lòng với cách tiếp cận hiện tại. Một cuộc thăm dò do công ty phân tích Novus thực hiện tuần trước cho thấy niềm tin đối với chính phủ đã tăng đáng kể trong tháng 3, với 44% người được hỏi nói họ rất tin tưởng hoặc vô cùng tin tưởng Thủ tướng Lofven, tăng so với 26% vào tháng 2, theo AFP.
Không có chuyện "vẫn như bình thường"
Dù vậy, theo The Local, niềm tin đó đang bị đặt câu hỏi khi số ca nhiễm tiếp tục gia tăng. Một số chuyên gia lo ngại rằng Thủ tướng Lofven đang ưu tiên sức khỏe của nền kinh tế thay vì sức khỏe của người dân.
Một kiến nghị được ký bởi hơn 2.000 nhà khoa học và giáo sư, bao gồm ông Carl-Henrik Heldin, chủ tịch của Quỹ Nobel, kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn. Việc để mọi người tự quyết định cách hành xử là quá mạo hiểm, theo ông Joacim Rocklov, nhà dịch tễ học tại Đại học Umea.
Trong trong một bài viết trên báo Dagens Nyheter, một nhóm 14 nhà khoa học yêu cầu Cơ quan Y tế Công cộng phải minh bạch hơn, đặt câu hỏi tại sao Thụy Điển vẫn giữ nguyên cách tiếp cận trong khi các nước khác, như Anh, đã đi theo phần còn lại của châu Âu và áp đặt các biện pháp mạnh tay hơn.
"Các nước khác nhau có cách tiếp cận khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể hiểu tại sao hoàn cảnh của Thụy Điển lại khác so với Anh", họ viết.
Một lều xét nghiệm được dựng lên tại bệnh viện Karolisnka ở Solna, Thụy Điển. Ảnh:AFP. |
Trong các đại dịch khác, như dịch tả bùng phát vào cuối thế kỷ 19 hoặc đại dịch AIDS vào những năm 1980, Thụy Điển đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn các nước láng giềng.
Lúc đầu, công chúng Thụy Điển ủng hộ chiến lược trái ngược của ông Lofven, song khi số người chết tăng lên, điều này có thể nhanh chóng thay đổi, Economist nhận định.
Theo hãng tin Thụy Điển TT, số người chết vì virus corona chủng mới tại nước này trên thực tế cao hơn con số được báo cáo, do tình trạng tồn đọng trong việc thống kê.
Ví dụ, vào ngày 26/3, tổng cộng 64 ca tử vong được báo cáo, nhưng con số được cập nhật sau đó khi rà soát lại gần như gấp đôi, 124 ca. Những ngày sau đó cũng tương tự như vậy, theo TT.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Anders Tegnell, người đang ở tuyến đầu chống dịch của Thụy Điển, tin rằng con số tổng cộng sau khi rà soát lại sẽ không cao hơn quá nhiều.
"Tôi không nghĩ vậy. Hiện tại chúng tôi đang làm việc một cách có hệ thống hơn. Vì vậy, tồn đọng đã nhỏ hơn", ông nói với TT.
Giữa lúc đối diện với những chỉ trích về cách tiếp cận nhẹ tay trong ứng phó với dịch bệnh, chính phủ Thụy Điển cũng đã lên tiếng bác bỏ nhận định rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường ở nước này.
"Không, không có chuyện mọi thứ vẫn như bình thường tại Thụy Điển", Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren nói với truyền thông quốc tế, theo AFP. Bà cũng nhấn mạnh rằng đất nước Bắc Âu đã triển khai một loạt biện pháp và sẵn sàng làm nhiều hơn nếu cần thiết.
Chính phủ Thụy Điển cuối tuần qua đã đệ trình một đề xuất có thể trao cho họ quyền lực để thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với dịch bệnh mà không cần sự chấp thuận của quốc hội. Đề xuất này đang phải chờ sự chấp thuận của các đảng khác.