Chiến lược phát triển tín dụng xanh của Agribank

Chiến lược phát triển tín dụng xanh của Agribank

Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.

Ưu tiên các dự án xanh

Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng VPĐD Agribank khu vực miền Nam phát biểu tại hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon". Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng VPĐD Agribank khu vực miền Nam phát biểu tại hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon". Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thời gian qua, NH tích cực tham gia nhiều dự án có liên quan đến bảo vệ môi trường do NH Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ. Cụ thể, các dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; chống hạn, mặn vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên.

Từ năm 2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn, với lãi suất cho vay giảm 0,5-1,5%/năm.

Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12.000 tỷ đồng, với hơn 43.000 khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...

Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100-350%/năm. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.

Đến 31-12-2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), với hơn 41.000 khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.192 tỷ đồng, chiếm 52% tổng dư nợ tín dụng xanh, tăng 7,8% so với năm 2021; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với dư nợ đạt 2.803 tỷ đồng, chiếm 23,6% tổng dư nợ tín dụng xanh; và lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 1.989 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2018-2022. Đơn vị tính: Tỷ VNĐ

Dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2018-2022. Đơn vị tính: Tỷ VNĐ

Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như nhà kính điều khiển khí hậu (công nghệ Pháp), canh tác nhiều tầng (công nghệ Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và tưới thông minh (công nghệ Israel)…

Các mô hình do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực, như mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hòa, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây nguyên (Đăk Nông, Kon Tum), thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)…

Định hướng thời gian tới

Trên cơ sở Chiến lược quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Đề án phát triển NH xanh tại Việt Nam, trong thời gian tới Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, NH xanh, hỗ trợ phát triển bền vững, với các giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank; bao gồm xây dựng bộ chính sách ESG; xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, NH xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.

Thứ hai, ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65-70% tổng dư nợ.

Thứ ba, nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường… phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank.

Thứ tư, chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh… để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh. Chuẩn bị để phát hành trái phiếu xanh tăng vốn.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính-NH hiện đại, tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần “xanh hóa” ngành NH, thông qua xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong việc tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ NH.

Cuối cùng, xây dựng và triển khai các biện pháp tổng thể để tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện tín dụng xanh; tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động NH xanh - tín dụng xanh; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường xã hội của các dự án…

Các tin khác