Theo C03, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á khởi nguồn từ vụ việc vi phạm trong đấu thầu xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, sau đó là các bộ, ngành và tỉnh, thành phố khác. Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của Phan Quốc Việt tại tỉnh Hải Dương đã gây thiệt hại hơn 73,8 tỷ đồng.
C03 làm rõ, khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 3 ở tỉnh Hải Dương, với mục đích để được tham gia xét nghiệm, tiêu thụ kit test và các vật tư, sinh phẩm y tế, Phan Quốc Việt đã thông qua Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế) để nhờ ông Long can thiệp, tác động đối với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đồng ý cho Công ty Việt Á đưa nhân công, máy móc xét nghiệm về CDC Hải Dương.
Trong quá trình tham gia xét nghiệm, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận, thống nhất với Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) và chỉ đạo cấp dưới làm việc với CDC Hải Dương để doanh nghiệp được cung cấp kit test và các vật tư, sinh phẩm cho CDC Hải Dương sử dụng trước.
Sau khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới cung cấp báo giá của Công ty Việt Á và báo giá của đơn vị khác (là những đơn vị do Việt thành lập, chỉ đạo, điều hành hoặc đơn vị có quan hệ làm ăn), trong đó giá của Công ty Việt Á là thấp nhất để CDC Hải Dương làm thủ tục thẩm định, xác định giá mua, hợp thức thủ tục đấu thầu theo hình thức rút gọn. Qua đó, ký 4 hợp đồng với CDC Hải Dương với số tiền hơn 147 tỷ đồng, trong đó riêng tiền kit test là hơn 106 tỷ đồng.
Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến thỏa thuận, thống nhất sau khi CDC Hải Dương thanh toán tiền, Công ty Việt Á sẽ chi cho Phạm Duy Tuyến từ 20-25% giá trị hợp đồng. Theo thỏa thuận trên, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới chuyển cho Phạm Duy Tuyến 27 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, C03 cũng xác định ông Phạm Xuân Thăng đã nhận hối lộ của Phan Quốc Việt hàng trăm ngàn USD. Ông Thăng ban đầu bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, sau đó C03 xác định người này đã nhận hối lộ của Phan Quốc Việt nên thay đổi tội danh thành “Nhận hối lộ” và có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh. Nhưng đến nay, C03 chưa nhận được phản hồi từ viện kiểm sát cùng cấp.
Trong khi đó, làm việc với cơ quan điều tra, ông Phạm Xuân Thăng khai, ngày 28-1-2021, ông Nguyễn Thanh Long có gặp để giới thiệu và đề nghị cho Công ty Việt Á về tỉnh Hải Dương hỗ trợ, phối hợp chống dịch. Từ sự giới thiệu này, tại các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, ông Thăng đã chỉ đạo UBND tỉnh ký hợp đồng với Công ty Việt Á.
Trong quá trình tham gia chống dịch tại Hải Dương, Phan Quốc Việt đến phòng làm việc của ông Phạm Xuân Thăng đề nghị tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Thăng đồng ý và giao Công ty Việt Á là đơn vị chủ công thực hiện. Tại cuộc gặp này, Phan Quốc Việt đã đưa cho ông Thăng 100.000 USD. Quá trình điều tra, ông Phạm Xuân Thăng thừa nhận đã được Phan Quốc Việt đưa số tiền trên; được Phạm Duy Tuyến đưa 600 triệu đồng và 50.000 USD tại phòng làm việc.
Theo kết luận điều tra, dù là người ký các quyết định cấp số đăng ký lưu hành kit test cho Công ty Việt Á và có dấu hiệu tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhưng không có vụ lợi, ông Nguyễn Trường Sơn, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế được miễn trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, đối với ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), C03 xác định, người này được giao phụ trách Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Chủ tịch Hội đồng cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm. Tuy nhiên, việc ký các quyết định cấp số đăng ký lưu hành được Bộ trưởng Bộ Y tế giao cho ông Sơn thực hiện; việc họp hội đồng cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm, ông Cường ủy quyền cho ông Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) chủ trì.
Vì vậy, C03 xác định ông Trương Quốc Cường không có sai phạm, trách nhiệm trong việc cấp số đăng ký lưu hành kit test cho Công ty Việt Á trái quy định pháp luật.