Để bạn đọc nắm bắt được những nội dung cơ bản của CQĐT qua các thời kỳ, ĐTTC giới thiệu loạt bài của PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA, nhà Đô thị học về vấn đề này.
Trong lịch sử của TP Sài Gòn đã từng có mô hình CQĐT, với những tiêu chí khá hiện đại so với các nước trong khu vực trong cùng thời điểm. Có thể nói đây là sự tiến bộ nhất định trong dòng chảy lịch sử của TP, với những giá trị đáng ghi nhận trong cách thức quản trị xã hội.
Phân quyền sâu rộng và trách nhiệm cá nhân
Sau khi đánh chiếm Sài Gòn năm 1859, đến năm1862 người Pháp tiến hành quy hoạch và bắt tay xây dựng TP này theo kiểu hiện đại châu Âu. Họ đưa vào hình thái quản trị hiện đại của Pháp hoàn toàn khác so với những gì các chính quyền phong kiến Việt Nam thực thi trước đó.
Ban đầu quản lý đô thị theo kiểu Pháp được đưa vào các khu phố Tây ở khu vực trung tâm, nơi được coi là bản sao một TP địa phương của Pháp tại Việt Nam. Các quy tắc quản lý nhân khẩu, đánh số nhà, đặt tên đường, chia lô phố được xác lập.
Các quy chuẩn kiến trúc, tiêu chuẩn xây dựng được tiêu chuẩn hóa thống nhất và các nguyên tắc chung của quy hoạch đô thị được đề ra. Theo thời gian cách quản lý đô thị phương Tây bắt đầu ảnh hưởng, lan tỏa tới người dân bản địa. Họ phải đóng thuế môn bài, thuế kinh doanh ngành hàng, các khu ở phải mở cửa không được đóng kín như ở làng xã.
Vào những năm cuối của thế kỷ 18, khi TP Sài Gòn còn nhỏ bé, diện tích chừng 7,5km2 với dân số chỉ 30.000 người, nhưng người Pháp đã cố gắng hình thành nên nền móng của cơ chế quản lý đô thị phương Tây. Tổ chức quản lý đô thị đầu tiên được hình thành theo Nghị định ký ngày 4-4-1867.
Một ủy ban thị xã (có tài liệu ghi là TP) được thiết lập gồm Ủy viên trưởng và 12 hội viên do Thống đốc Nam Kỳ chỉ định, sau khi lựa chọn trong danh sách những thân hào từ 25 tuổi trở lên, không phân biệt quốc tịch, trú ngụ tại Sài Gòn ít nhất 6 tháng. Nhiệm kỳ của ủy ban này là 2 năm, có chức năng giống như Hội đồng thị xã ở Pháp.
Tổ chức trên chỉ tồn tại trong 2 năm, đến ngày 8-7-1869, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định đổi Ủy ban thị xã thành Hội đồng thị xã (có tài liệu ghi là hội đồng TP), đứng đầu là thị trưởng cùng 13 thành viên, trong đó có 7 người được bầu cử và 6 người được Thống đốc chỉ định, nhiệm kỳ cũng 2 năm.
Mô hình CQĐT của người Pháp đưa vào Sài Gòn tồn tại gần 100 năm và cách xa hôm nay cũng gần 100 năm. Những giá trị cơ bản và các đường nét cơ cấu tổ chức của nó không khác mấy so với CQĐT của thế kỷ 21. Điều đó cho thấy việc xây dựng CQĐT ở TPHCM là hợp thời đại và chắc chắn thành công. |
Sau nhiều lần sửa đổi, tổ chức TP Sài Gòn được chỉnh đốn bởi Sắc lệnh ngày 8-1-1877 do đích thân Tổng thống Pháp ký. Sắc lệnh này cho Sài Gòn được hưởng quy chế thị xã như các TP lớn bên Pháp, có tư cách pháp nhân và tài chính riêng.
Có thể nói đây là bước đầu trong chế độ địa phương phân quyền và chế độ này đã tồn tại hơn 50 năm. Từ những năm 1930 trở đi, hệ thống quản lý hành chính đô thị của Pháp đã trở nên phổ biến rộng rãi. TP được chia ra thành các quận, phường, lối sống thị dân dần được hình thành và theo năm tháng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, các hộ truyền thống mất dần tính tự trị.
Sự tham gia của người dân với tư cách là đối tác bình đẳng
Bằng sắc lệnh ngày 27-4-1931, Sài Gòn, Chợ Lớn và vùng ngoại ô được sáp nhập thành đơn vị hành chính, lấy tên chung là TP Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhưng sắc lệnh này không nói tới việc hợp nhất 2 hội đồng của TP Sài Gòn và TP Chợ Lớn, mà vẫn tồn tại riêng rẽ.
Đến ngày 14-12-1931, một nghị định khác ra đời với nội dung phân công chức năng cho 4 hội đồng. Trong đó 2 hội đồng ở cấp TP (1 ở Sài Gòn và 1 ở Chợ Lớn) và 2 hội đồng địa phương. 2 hội đồng này được giao phó phần lớn quyền hạn hành chính như cảnh sát, xây dựng, công lộ, vệ sinh, lò sát sanh… Còn 2 hội đồng khác được giao những quyền hạn về hộ tịch, y tế, xã hội, giáo dục… mỗi hội đồng có ngân sách riêng.
Ngày 19-12-1941, một sắc lệnh ra đời, bãi bỏ sắc lệnh ngày 27-4-1931, giải tán 2 hội đồng TP Sài Gòn và Chợ Lớn, sáp nhập thành hội đồng duy nhất của TP Sài Gòn - Chợ Lớn. Sắc lệnh này đã chấm dứt chế độ địa phương phân quyền và quay lại chế độ tập trung (tình trạng này được duy trì cho đến tháng 8-1945, ngày Nhật đầu hàng).
Một góc chợ Bến Thành xưa.
Đến ngày 26-9-1947, một nghị định mới được ban hành có nhiều điểm được sửa đổi. Theo đó, người đứng đầu TP Sài Gòn - Chợ Lớn được gọi là Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn; vị chỉ huy Sở hành chánh gọi là Tổng thư ký đô thành và 2 vị đại diện ở Sài Gòn và Chợ Lớn gọi là phó Đô trưởng Sài Gòn, phó Đô trưởng Chợ Lớn.
Vào năm 1952 bằng quyết định ký ngày 27-12-1952, Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn được chia làm 7 quận đặt dưới quyền Đô trưởng. Mỗi quận có 1 hội đồng gồm 5 hội viên bầu theo lối phổ thông đầu phiếu và trực tiếp với nhiệm kỳ 3 năm. Hội đồng quận bầu ra trong số các hội viên 1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch. Hội đồng có thể bị giải tán bởi nghị định của Bộ nội vụ theo đề nghị có lý do của Thủ hiến Nam phần.
Đối với cơ quan hành chính Đô thành, các hội viên hội đồng cấp quận là đại diện cho dân phố. Ngược lại, đối với dân trong quận, các hội viên là đại diện cho chính quyền Đô thành. Hội viên hội đồng quận thi hành nhiệm vụ của mình đối với toàn thể cư dân trong quận, người Việt Nam cũng như ngoại kiều.
Cuộc bầu cử đầu tiên theo thể thức trực tiếp và phổ thông đã được tiến hành ngày 25-1-1953. Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, 35 hội viên đã được bầu ra, họp thành Hội đồng quản trị cùng với 7 hội viên Pháp do Bộ nội vụ chỉ định và 1 đại diện cho các nhóm người Hoa.