Mở đầu phiên thảo luận, nhóm nghiên cứu Nguyễn Thanh Phúc và Nguyễn Hoàng Minh Trí (Đại học kinh tế TPHCM) đã bàn tới vấn đề đồng tiền số của NHTW và chính sách tiền tệ quốc gia. Theo nhóm tác giả, các loại tiền kỹ thuật số đang hấp dẫn sự quan tâm của chính phủ và công chúng bởi khả năng bảo mật cao, ít nhất là trên lý thuyết.
Tuy nhiên, những rủi ro khi ứng dụng đại trà đồng tiền kỹ thuật số trong thanh toán có thể gây ra sự đe dọa tiềm tàng như gian lận và rủi ro không gian mạng, sự mất kiểm soát đối với sự ổn định tài chính và tiền tệ của một quốc gia. Từ đó, đồng tiền số của NHTW (CBDC) ra đời nhằm giải quyết những nhược điểm của tiền giấy pháp định và tiền mã hóa.
Một số lợi ích khi NHTW sử dụng tiền điện tử do mình phát hành: Thứ nhất, đảm bảo và đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cho công chúng. Thứ hai, có thể điều hành chính sách dưới mức lãi suất tối thiểu hiện tại và hỗ trợ chính sách tiền tệ theo cách linh hoạt hơn. Thứ ba, giảm rủi ro tổng thể và tăng cường sự ổn định tài chính.
Thứ tư, tăng khả năng cạnh tranh của CBDC trong thanh toán theo các cách: (i) Cung cấp giải pháp thay thế cho giấy bạc ngân hàng, séc, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, chuyển khoản trực tuyến…, từ đó có thể cung cấp khả năng cạnh tranh hơn trong thanh toán bán lẻ. (ii) Được sử dụng cho các khoản thanh toán có giá trị lớn giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, có thể tạo ra tính cạnh tranh cao hơn trong các khoản thanh toán có giá trị lớn. (iii) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận bảng cân đối kế toán của NHTW cho nhiều tổ chức tài chính hoặc phi ngân hàng, giúp các công ty này tham gia ngành thanh toán dễ dàng hơn, thúc đẩy khả năng cạnh tranh.
CBDC đem lại những lợi ích không hề nhỏ như đáp ứng nhu cầu chuyển đổi một xã hội không sử dụng tiền mặt, giảm rủi ro tổng thể, tăng cường sự ổn định tài chính, kiểm soát giới hạn dưới của lãi suất và tăng khả năng cạnh tranh trong thanh toán.
TS. Phan Chung Thủy thảo luận cùng khách mời về P2P tại hội thảo.
Ở khía cạnh liên quan đến công nghệ tài chính, TS. Lê Hà Diễm Chi (trường Đại học Ngân hàng TPHCM), nhấn mạnh ảnh hưởng và tiềm năng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực tài chính. Cụ thể là sự phát triển của AI đã tạo ra nhiều cơ hội thay đổi mang tính cách mạng, hiệu quả, an toàn và tính minh bạch cho hệ thống tài chính, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức mang tính đe doạ đến tính ổn định của cấu trúc vi mô thị trường và các thiết chế truyền thống, cũng như khả năng thích ứng của lực lượng lao động.
Sự phát triển của AI đã dẫn đến sự thay đổi trong cách chấm điểm tín dụng khách hàng của các tổ chức tín dụng. Việc áp dụng các thuật toán học máy và các nguồn dữ liệu thay thế sẽ cho phép các tổ chức tín dụng đưa ra các quyết định tín dụng không thể thực hiện được trước đây.
AI chấm điểm tín dụng dựa trên sự kết hợp giữa dữ liệu cấu trúc (structured data), chẳng hạn như tổng thu nhập, lịch sử tín dụng, lịch sử thanh toán, kinh nghiệm làm việc… và cả dữ liệu phi cấu trúc (unstructured data), như tình hình tài chính hiện tại, trình độ giáo dục, khả năng tuyển dụng trong tương lai, thu nhập dự kiến... Bên cạnh đó, các công cụ AI trong quản lý chống rửa tiền và phát hiện chống gian lận được các ngân hàng sử dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây.
Một ứng dụng khác của AI trong tài chính là khai thác văn bản, phân tích cú pháp (ngữ nghĩa) và tin tức. Trong nhiệm vụ khai thác văn bản, AI thực hiện việc đọc và phân tích các văn bản như tin tức, báo cáo và nội dung hoặc các hoạt động trên mạng xã hội, rồi đưa ra các mức giá, những dự báo, đánh giá xu hướng thị trường, thậm chí dự đoán cả những thay đổi về thể chế chính trị và mô phỏng kết quả.
Bên cạnh những cơ hội AI cũng mang đến những thách thức đối với ngành tài chính, như ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ làm giảm số lượng lao động trong lĩnh vực này. AI trong khai thác văn bản là mối đe dọa cho các dịch vụ tư vấn truyền thống, nơi dựa trên phân tích chủ quan của người tư vấn khá nhiều. Cần xây dựng khung pháp lý thể chế pháp lý cho giao dịch thuật toán, nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, đảm bảo an toàn, công khai và minh bạch cho thị trường….
Từ góc độ ngân hàng trong xu hướng phát triển của công nghệ tài chính, TS. Phan Chung Thủy và nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Kinh tế TPHCM, đã tập trung vào mô hình cho vay ngang hàng (P2P), thông qua đó làm rõ những khái niệm nền tảng kinh tế, các mô hình P2P điển hình, đồng thời cho thấy thực trạng phát triển hoạt động này ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu nhưng chưa phát triển ở Việt Nam. Do vậy bài học thành công lẫn thất bại trên bình diện quốc tế sẽ là cơ sở lựa chọn những hướng đi phù hợp cho Việt Nam.
Theo đó, hiện Trung Quốc, Mỹ và Anh là 3 quốc gia có doanh số cao nhất về cho vay ngang hàng trên thế giới. Ngoài ra dịch vụ này cũng bắt đầu xuất hiện và tăng trưởng một số quốc gia phát triển khác ở châu Âu và châu Á như Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia hay New Zealand. Dù không phải là nơi xuất hiện nền tảng đầu tiên về cho vay ngang hàng, nhưng Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về doanh số cho vay ngang hàng với hơn 207 tỷ USD trong năm 2018, chiếm hơn 85% thị phần của thị trường cho vay ngang hàng của 9 quốc gia dẫn đầu trên thế giới, cao hơn gần 8 lần so với quốc gia đứng thứ hai là Mỹ.
Riêng tại Việt Nam, hoạt động cho vay ngang hàng đã bắt đầu nhen nhóm với sự xuất hiện của hơn 40 công ty gồm sở hữu nước ngoài lẫn trong nước. Với sự tăng trưởng không ngừng của các ứng dụng công nghệ tài chính hiện nay, cùng sự tăng trưởng không ngừng của hoạt động này của các nước láng giềng như Indonesia và Trung Quốc, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia sẽ có tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, có thể nhận thấy các nhà làm chính sách và các nhà quản lý chưa bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng hiện nay.
Nhóm nghiên cứu cho rằng để phát triển hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam, đòi hỏi phải có hành lang pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động này phát triển. Quan trọng hơn hết, hành lang pháp lý phải hướng đến đảm bảo tính an toàn và phát triển bền vững cho toàn bộ hệ thống tài chính.