Chính sách cung tiền trong lưu thông

Khi một ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, điều đó đồng nghĩa với việc phải in thêm tiền để đưa vào lưu thông. Việc in thêm tiền vào lưu thông hoặc rút ra khỏi lưu thông là công việc rất bình thường của một ngân hàng trung ương, vì sau một thời gian lưu thông tiền bị hao hụt hay mất mát. Việc này còn tạo cơ chế truyền động cho thị trường tài chính trong việc thực hiện mục tiêu nào đó, như để tài trợ cho các dự án đầu tư của chính phủ thông qua trái phiếu chính phủ.

Khi một ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, điều đó đồng nghĩa với việc phải in thêm tiền để đưa vào lưu thông. Việc in thêm tiền vào lưu thông hoặc rút ra khỏi lưu thông là công việc rất bình thường của một ngân hàng trung ương, vì sau một thời gian lưu thông tiền bị hao hụt hay mất mát. Việc này còn tạo cơ chế truyền động cho thị trường tài chính trong việc thực hiện mục tiêu nào đó, như để tài trợ cho các dự án đầu tư của chính phủ thông qua trái phiếu chính phủ.

Chính sách cung tiền trên thế giới

Theo thuyết tiền tệ của Milton Friedman: “Lạm phát luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng là hiện tượng tiền tệ”. Tức khi lượng tiền được bơm quá nhiều trong lưu thông nhưng sản xuất hàng hóa không tăng trưởng kịp sẽ dẫn đến sự dư thừa thanh khoản và gây ra lạm phát. Chính vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ hay nói cụ thể hơn là chính sách cung tiền là một vấn đề rất nhạy cảm. Có được một lượng cung tiền vừa đủ và hợp lý là chuyện không dễ dàng trong thực tiễn điều hành.

Lý thuyết tiền tệ có đề cập đến thước đo cho mức độ cung tiền. Theo Quy tắc K% của Milton Friedman (1960): “Một ngân hàng trung ương nên duy trì tăng trưởng cung tiền theo một tốc độ không đổi hàng năm, bất kể chu kỳ kinh tế”. Theo đó, tốc độ tăng trưởng cung tiền, nên tương đương với tăng trưởng GDP thực. Tuy nhiên, những người theo trường phái Keynes lại đề nghị Chính phủ nên đưa ra các gói kích thích khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, tức việc mở rộng cung tiền là điều nên làm để giải quyết vấn đề chu kỳ kinh tế.

Thực tiễn Hoa Kỳ năm 1937 là một bài học. Việc cắt giảm các chương trình kích cầu và tăng trưởng cung tiền đã dẫn tới một đợt suy thoái kinh tế. Nói cách khác, tăng trưởng cung tiền không thể là một hằng số và cần phải thay đổi theo điều kiện nền kinh tế.

Ảnh minh họa của Việt Dũng

Ảnh minh họa của Việt Dũng

Ngày nay, nhiều quốc gia lựa chọn tăng trưởng cung tiền theo sát tốc độ tăng trưởng GDP thực, nhằm đảm bảo cung tiền không mở rộng quá mức để rồi gây nên lạm phát cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, thước đo cung tiền còn tùy thuộc vào mục tiêu chính sách tiền tệ mà mỗi quốc gia theo đuổi. Các dạng chính sách tiền tệ bao gồm các mục tiêu: lạm phát; mức giá, cố định tỷ giá, tổng cung tiền và chính sách tổng hợp.

Tại Singapore, MAS (Cơ quan tiền tệ Singapore) không thận trọng kiểm soát cung tiền vì chính sách tiền tệ tập trung vào mục tiêu quản lý nội tệ so với giỏ ngoại tệ. Do đó, không có mục tiêu chính sách độc lập cho lãi suất hoặc cung tiền. Tuy nhiên, để quản lý tỷ giá, chính sách cung tiền phần nào cũng được sử dụng cho mục tiêu cần phá giá nội tệ.

Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia theo đuổi mục tiêu tổng cung tiền và tỷ giá, hàng năm lại đưa ra kế hoạch tăng trưởng cung tiền. Vào những năm 1980, các quốc gia theo mục tiêu tổng cung tiền thường đưa ra một mức độ tăng trưởng cung tiền cố định như lời khuyên của Milton Friedman. Tuy nhiên, như đã nói, ngày nay chính sách cung tiền thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế.

Chính sách cung tiền của Trung Quốc phụ thuộc vào sự thay đổi trong lạm phát và mục tiêu hỗ trợ hay hạ nhiệt nền kinh tế. Sự tăng trưởng quá nóng và lạm phát tăng cao trong thời gian qua khiến Trung Quốc đang hướng tới việc giảm bớt cung tiền nhằm có thể “hạ cánh an toàn” cho nền kinh tế.

Chính sách cung tiền của Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào việc điều hành lãi suất. Từ những năm 1980, Hoa Kỳ điều hành chính sách tiền tệ theo dạng tổng hợp hay còn gọi chính sách tiền tệ theo quy tắc Taylor. Quy tắc Taylor nói rằng nếu lạm phát cao hơn lạm phát mục tiêu của FED, hoặc nếu sản lượng thực tế của nền kinh tế thấp hơn sản lượng tiềm năng dài hạn, FED nên giảm lãi suất tài trợ liên bang.

Ngược lại, nếu lạm phát thấp hơn lạm phát mục tiêu hoặc sản lượng thực tế cao hơn sản lượng tiềm năng, FED nên tăng lãi suất tài trợ liên bang. Sau khi xác định mục tiêu lãi suất theo quy tắc Taylor, cung tiền của Hoa Kỳ được thay đổi nhằm đạt được mục tiêu đó. Chủ tịch FED, ông Bernanke, hiện nay vẫn dựa vào quy tắc Taylor để tính toán lãi suất ngắn hạn nhưng có một vài điểm khác biệt.

Trong bài nói chuyện về quy tắc Taylor vào tháng 1-2010 tại Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (American Economic Association), Bernanke nói rằng ông dùng lạm phát dự báo chứ không sử dụng lạm phát mục tiêu như Taylor. Một đặc điểm riêng của Hoa Kỳ (và cả Nhật Bản) hiện nay là vấn đề giảm phát, nên việc mở rộng cung tiền sẽ không dẫn đến lạm phát. Đây chính là lý do Hoa Kỳ đã đưa ra các gói kích thích QE1, QE2 và đang tính đến QE3.

Trong khi đó, lượng cung tiền của Anh lại được xác định nhằm đảm bảo mục tiêu lạm phát không vượt quá 2%. Các biến số khác như lãi suất, tỷ giá cũng ảnh hưởng đến mức độ cung tiền nhưng đó không phải là yếu tố chính, vì mục tiêu chính sách tiền tệ của Anh là lạm phát.

Việt Nam cần xác định mục tiêu cho chính sách cung tiền

Có thể thấy, chính sách cung tiền của Việt Nam trong suốt thời gian dài chỉ nhắm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà không hướng tới các mục tiêu của chính sách tiền tệ như lạm phát hay tỷ giá. Kết quả cung tiền được mở rộng một cách quá mức. Trong các năm từ 2002-2007, tốc độ tăng trưởng cung tiền ngày càng lớn. Từ mức trung bình khoảng 20% trong các năm 2002-2003, lên 29% năm 2004-2005, 34% trong năm 2006 và năm 2007 đã gần 50%.

So với mức tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam ở mức 7-8%, rõ ràng tăng trưởng của cung tiền là quá lớn (gấp gần 6 lần trong năm 2007). Điều này dẫn tới sự gia tăng của lạm phát từ năm 2008 đến nay. Điều đáng lưu ý chính là việc mở rộng cung tiền thời gian qua nhằm tài trợ cho chi tiêu và đầu tư các dự án của Chính phủ.

Tìm hiểu chính sách cung tiền ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy lượng cung tiền cần được xác định dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất là mức độ tăng trưởng GDP và thứ hai là mục tiêu của chính sách tiền tệ. Do đó, việc xác định rõ ràng các mục tiêu chính sách tiền tệ sẽ quyết định đến lượng cung tiền bao nhiêu là phù hợp.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 11 với mục tiêu trọng tâm là kiềm chế lạm phát. Đây có thể coi là mục tiêu chính của chính sách tiền tệ để xác định lượng cung tiền phù hợp.

Các tin khác