Ngày 15-10, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Câu lạc bộ DN dẫn đầu, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức hội thảo “Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và kiến nghị chính sách của DN”. ĐTTC ghi lại ý kiến một số chuyên gia.
Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ:
Mở cửa để mạnh lên
Hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn về hệ thống phân phối nước ngoài như Metro. Quan điểm của tôi nếu mình muốn ra thế giới phải mở cửa. Muốn vậy phải có nội lực cùng nhận thức đầy đủ về ý nghĩa thị trường nội địa với 90 triệu người tiêu dùng.
Nước ta có nhiều lợi thế phải tận dụng như những mảnh đất vàng chẳng hạn. Trước đây cửa hàng mậu dịch quốc doanh bao giờ cũng ở vị trí đẹp nhất, nhưng nay lại không tận dụng được để đưa vào sử dụng, hoặc bán cho nước ngoài hay chuyển đổi mục đích sử dụng, có nghĩa ngay vị trí tốt nhất chúng ta đã bị mất. Thị trường nội địa mênh mông, nhu cầu người dân rất lớn nhưng hệ thống phân phối của chúng ta không vươn tới được.
Đó là lỗi của cả DN và cơ chế chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, mở cửa không có nghĩa là buông lỏng, thả nổi vì ngay những cam kết cũng có những chỗ rất rõ ràng, DN nước ta ra nước ngoài cũng rất nhiều thủ tục, đâu phải dễ khi mở cửa hàng ở Hoa Kỳ hay nước khác, trong khi chúng ta lại quá dễ dàng. Thế nên, chúng ta phải bám vào những cam kết và những điều kiện của đất nước để vận dụng sao cho hài hòa các lợi ích.
Người tiêu dùng luôn có nhu cầu mua những mặt hàng có chất lượng, tiện lợi, đòi hỏi DN phải vươn lên để đáp ứng nên không thể cấm bên ngoài, nhưng cũng không để bên ngoài thao túng. Đây là kẽ hở mà Metro chỉ là điển hình về sự buông lỏng quản lý và nhận thức chưa đầy đủ. Những cách tiếp cận nêu trên nếu không chỉnh sửa, tôi nghĩ tình hình sẽ không thay đổi được.
Bên cạnh đó, DN phải thấy được sự quan trọng của thị trường nội địa, đồng thời phải tích cực, chủ động tận dụng những lợi thế của mình. Khi hội nhập chúng ta phải học hỏi những cái hay của người ta để đối phó. Vì thế, mở cửa để mạnh lên, không để yếu đi.
DN cần tận dụng lợi thế sân nhà để mở rộng thị trường bán lẻ. |
Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam:
Cần môi trường thông thoáng, bình đẳng
Để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển, DN, cơ quan nhà nước và người tiêu dùng đều phải có nhận thức và hành động cụ thể. Nhiều người nhận định DN Việt đang thua trên sân nhà là chưa hoàn toàn chính xác. Trong cuộc cạnh tranh này, ngay từ đầu chúng tôi đã nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn, nhưng thời kỳ đầu vẫn chưa thu hút được nhiều DN. Hiện nay thị trường bắt đầu có sự cạnh tranh giữa DN nước ngoài và trong nước.
Trong bối cảnh này, DN nội vẫn chủ động được trên thị trường, vẫn phát triển mạng lưới các siêu thị trong trung tâm thương mại. Tôi cho rằng DN Việt Nam cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp theo phải tổ chức hệ thống bán lẻ phù hợp với tình hình mới, đặc biệt phải đáp ứng nhu cầu cạnh tranh khi chúng ta hội nhập sâu kinh tế thế giới.
Thực tế DN bây giờ không mong Nhà nước hỗ trợ những gì lớn lao, mà chủ yếu làm thế nào để môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước. Nhất là cơ sở hạ tầng và các thủ tục hành chính liên quan đến những thủ tục kinh doanh, cần được minh bạch hóa, luật pháp hóa. Theo đó, không dùng những quyết định hành chính ở những địa bàn để thay thế cho quy định về bán lẻ. Tôi cho rằng luật thương mại sắp tới cũng nên sửa đổi để đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Hạ tầng cơ sở bán lẻ của chúng ta hiện nay rất yếu, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhiều lần chúng tôi đã nói hạ tầng thương mại nông thôn hiện nay hầu như sơ khai, nên cần có đầu tư rất lớn kết hợp giữa Nhà nước, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước để làm việc này. Đây là tiềm năng rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang quan tâm. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách của ta hiện nay chưa cụ thể về ưu tiên chuyện này. Tiếp đến là tiềm năng tài chính của DN Việt không đủ sức để xây dựng hệ thống bán lẻ ở thị trường nông thôn.
Người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi rất nhiều nhưng giữa tiêu dùng truyền thống và hiện đại vẫn đan xen nhau. Vừa qua chúng ta cải tạo chợ truyền thống thành trung tâm thương mại, siêu thị cũng không thành công, xây dựng hệ thống chợ cũng không đáp ứng được nhu cầu…
Vì thế, không còn con đường nào khác là đầu tư cho ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua những quy định phù hợp, nhất là tạo cho DN Việt cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh. Sắp tới Chính phủ dẫn dắt, DN thực hiện và người dân ủng hộ, hệ thống bán lẻ Việt Nam sẽ đứng vững và đáp ứng được nhu cầu.