Chờ doanh nghiệp hóa dữ thành lành

(ĐTTCO) - Trước dịch Covid-19 còn diễn biến cam go, câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp ở Việt Nam đã và sẽ hóa dữ thành lành như thế nào? Giới doanh nghiệp chuyển mình ra sao trong giai đoạn khó khăn này?
 Các DN phải bật chế độ “sinh tồn” trong lúc khó khăn này.
Các DN phải bật chế độ “sinh tồn” trong lúc khó khăn này.
Kết quả khảo sát mới nhất từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại TPHCM về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các DN Nhật Bản đang đầu tư ở khu vực phía Nam cho thấy trong quý II/2020 có khoảng 70% DN trả lời là sẽ bị ảnh hưởng.
Bật chế độ “sinh tồn”
Cụ thể, có 35% DN dự kiến “bị ảnh hưởng ít" (doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ năm trước); 33% DN dự kiến “bị ảnh hưởng nhiều" (doanh thu giảm từ 20 - 40%); 5% DN dự kiến “bị ảnh hưởng rất lớn"(doanh thu giảm hơn 50%).  
Nếu tính về ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh sản xuất của năm nay thì có khoảng 70% DN Nhật dự kiến sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 40% DN xác định sự ảnh hưởng này khá lớn.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ KH&ĐT, 3 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 11.630 DN rút lui khỏi thị trường do tác động của dịch Covid-19. Tính từ ngày 1/1 - 26/3, hơn 153.000 người đã mất việc làm, phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc.
Nhìn vào “một màu xám buồn”, ảm đạm phủ lên nền kinh tế trong mùa dịch Covid-19, ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng giám đốc TopDev (một DN chuyên về nghiên cứu thị trường và lĩnh vực nhân sự ngành công nghệ), cho rằng các DN lớn nhỏ đều bị ảnh hưởng sâu rộng bởi "cơn bão Covid-19".
Theo ông Bình, chiến dịch “cách ly toàn xã hội” khiến các DN phải bật chế độ “sinh tồn”, hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí được đưa ra. “Tuy nhiên, chúng ta luôn thấy ánh sáng trong những thời khắc khó khăn nhất, đó chính là sự linh động và sáng tạo trong việc thích ứng của nhiều DN trong nước”, ông Bình nói.
Tổng giám đốc TopDev cho rằng, là một trong những nước có dân số trẻ trên thế giới, với dân số 100 triệu người và hơn 150 triệu thiết bị di động 70% có kết nối Internet, có vẻ như Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho sự thay đổi đặc biệt là việc số hóa DN trong nước ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 
Câu hỏi được đặt ra là các DN ở Việt đã và sẽ hóa dữ thành lành như thế nào trước dịch Covid-19 và giới DN đã chuyển mình ra sao trong giai đoạn khó khăn này?
Riêng với các DN trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, một cuộc khảo sát mới đây của TopDev cho thấy đang có những thay đổi để tồn tại. Bằng việc ứng phó nhanh, nhiều DN đã thiết kế ngay quy trình để đảm bảo công việc.
Các mô hình quản lý dần chuyển giao từ ngoại tuyến (offline) sang trực tuyến (online), sau đó tiếp tục triển khai làm việc tại nhà (work from home), chỉ 50% nhân viên còn làm việc tại văn phòng.
Hy vọng điều tốt nhất
Có 60% DN đã thể hiện là thích ứng nhanh trước dịch Covid-19. Theo đó, giữ vững hoạt động DN, thiết kế quy trình làm việc mới là áp dụng làm việc tại nhà, diễn tập để tối ưu mô hình ứng dụng công nghệ triệt để và xây dựng văn hóa công ty “thời chiến”.
Trong đó, 22% DN đã cắt giảm chi phí thông qua việc xây dựng kế hoạch tài chính thay thế; hạn chế các chi phí không quan trọng, giữ quỹ tiền mặt dự phòng. Các DN này cũng tiết kiệm tài nguyên chung, tái phân bổ lượng công việc, giảm giờ làm và lương nhân viên dựa trên thỏa thuận tự nguyện giữa DN và người lao động.
Điều khả quan ở các DN ngành công nghệ là chỉ có 5% DN khi trả lời khảo sát cho biết tạm ngừng hoạt động, đóng cửa hoặc tuyên bố phá sản. Ngoài ra, chỉ có 7% DN cho biết đã cắt giảm số lượng nhân sự, đóng cửa chi nhánh, văn phòng phụ.
Khác với những ngành khác, do tính chất công việc, thị trường lao động DN ngành công nghệ ở Việt Nam được nhận định vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều. Một số DN lớn tại Tp.HCM và Hà Nội đã cho toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà mà vẫn không gây ảnh hưởng nhiều đến tiến độ công việc
Theo giới chuyên gia, để hoá dữ thành lành thì DN nội địa lẫn các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cần có tinh thần “chuẩn bị cho điều xấu nhất nhưng cần hy vọng vào điều tốt nhất”.
TS. Burkhard Schrage (Đại học RMIT Việt Nam) đưa ra gợi ý là các DN cần rút được bài học của mình sau giai đoạn này: Vấn đề là DN có biết cách lên kế hoạch để ứng phó tốt hơn cho lần sau? Đâu là những rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động DN của mình?
Nhìn từ khả năng ứng biến của các DN công nghệ, có thể thấy để “hoá lành” trước Covid-19 thì các DN nên bắt đầu làm quen với việc dùng các công cụ tiên tiến để quản lý công ty, hướng đến số hóa DN (Digital Transformation). Đây sẽ là bước khởi đầu cho việc DN chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại số.
Ngoài, rất cần sự hỗ trợ cùng nhau giữa DN để khắc phục các thiệt hại. Chẳng hạn như đưa ra các chương trình, các gói sản phẩm giúp các DN có thể nhanh chóng phục hồi nguồn nhân lực cũng như tái cấu trúc quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các tin khác