Không thể phủ nhận, ĐTDĐ là công cụ mang lại tiện ích cho con người trong cuộc sống hiện đại, làm thay đổi thế giới. Nhất là khi ĐTDĐ được nâng cấp lên kỹ nghệ điện thoại thông minh, nhiều người đã thấy địa cầu được kết nối với nhau thật gần gũi. Tuy nhiên, công khai cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp học, môi trường giáo dục phải đứng trước không ít hệ lụy khó lường.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, nhận định: “Thông tư 32 không cấm việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng giao quyền cho phép hay không cho phép sử dụng dành cho giáo viên. Trên thế giới, việc sử dụng điện thoại trong giờ học có những quy định khác nhau. Chẳng hạn, ở Nhật Bản cho phép học sinh mang điện thoại đến trường đề phòng thảm họa thiên nhiên, để tiện liên hệ. Trong 18 nước chúng tôi khảo sát chỉ có 2 nước cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên mới đây một số bang ở Mỹ và một số tỉnh ở Trung Quốc đã cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ”.
Thời 4.0 cho học sinh sử dụng ĐTDĐ không sai nhưng phải có hướng dẫn cụ thể dùng vào việc gì.
ĐTDĐ len lỏi vào mọi hang cùng ngõ hẻm, người lớn cũng không thể ngăn cản trẻ em sử dụng. Song cái gì cũng có hai mặt tốt - xấu đan xen, ĐTDĐ cũng vậy. Những nhà tâm lý trên thế giới đã không ngừng cảnh báo tác hại ĐTDĐ gây ra cho lứa tuổi học trò. Cha mẹ không tiếc tiền để mua sắm ĐTDĐ cho con cái, nhưng vẫn lo ngay ngáy. Bởi lẽ, các chuyên gia cảnh báo, hầu hết trẻ vị thành niên giữ điện thoại trong tầm tay với khi ngủ để thuận tiện trả lời các tin nhắn và cuộc gọi sẽ rất có hại. Trẻ vị thành niên cần giấc ngủ sâu, đủ dài, không ngắt quãng. Việc duy trì khả năng tiếp cận với điện thoại bất kỳ lúc nào khiến trẻ cảm thấy áp lực. Điều này gây nhiễu giấc ngủ, dẫn đến việc phục hồi chức năng các cơ quan trong cơ thể bị gián đoạn, trẻ vị thành niên vừa giảm sút sức khỏe, trí lực, vừa trở nên dễ cáu kỉnh khi hơn.
Bên cạnh đó, sử dụng nhắn tin như một phương thức giao tiếp chủ yếu có thể gia tăng lo lắng cho trẻ vị thành niên. Với việc sử dụng điện thoại thông minh, tuổi mới lớn ngày nay cũng dành thời gian cho việc giao lưu qua mạng xã hội hơn là gặp gỡ trực tiếp. Bên cạnh đó, cuộc sống “một kết nối” khiến trẻ ít tiếp xúc với các thành viên trong gia đình, làm gia tăng cảm giác cô đơn, đồng thời cũng làm giảm sự tự tin, tăng sự lệ thuộc vào cha mẹ do trẻ không phát triển được các kỹ năng sống cần thiết.
Trước đây, ĐTDĐ bị nhiều trường học cấm tuyệt đối, cũng gây không ít khó khăn cho phụ huynh. Bởi lẽ, giờ tan học bao người xe chen lấn, nếu không gọi được điện thoại cho con việc đón đưa rất phức tạp. Bây giờ, Bộ GD-ĐT ủng hộ học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp lại tạo ra quan ngại khác. Bởi lẽ, ở nhà phụ huynh giám sát con cái dùng ĐTDĐ có giờ giấc và có chọn lọc, nhưng ở trường cho dùng thoải mái không biết sẽ ra sao. Với tư cách Trưởng phòng Giáo dục chính trị sinh viên học sinh của Sở GD-ĐT TPHCM, ông Trịnh Duy Trọng cho biết: “Ngành giáo dục TPHCM không cấm việc sử dụng điện thoại hay các trang thiết bị phục vụ trong giờ học. Chúng tôi giao quyền sử dụng các thiết bị này cho mỗi nhà trường và các thầy cô giáo. Thông tư 32 là hướng mở và theo kịp xu hướng hiện nay”.
Ngược lại, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương TPHCM, ông Lê Quang Huy lại băn khoăn: “Chúng ta cần làm rõ vấn đề: thời gian các em học sinh dùng điện thoại để tra cứu tài liệu phục vụ học tập có chiếm đa số hay chỉ chiếm khoảng thời gian rất ngắn, còn phần lớn thời gian các em sử dụng điện thoại vào các mục đích khác. Quan điểm của chúng tôi là đồng tình cho học sinh dùng điện thoại trong học tập, nhưng các em phải chiến thắng chính mình, làm chủ được bản thân, không bị lôi cuốn vào game, vào Facebook…”.
Phụ huynh có tán đồng quan điểm với Thông tư 32? Mỗi người một ý khác nhau, nhưng ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TPHCM, kể một thí dụ đáng suy ngẫm: “Mùa tuyển sinh đầu cấp vừa rồi, có phụ huynh trước khi quyết định cho con em nhập học ở trường chúng tôi, đã đặt câu hỏi “Thầy có cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường không?”, tôi trả lời trường không cho học sinh sử dụng điện thoại tự do trong trường. Không ngờ, vị phụ huynh ấy thốt lên: Thế thì tốt quá, quý quá”.
Học sinh THPT dùng ĐTDĐ để tìm kiếm tài liệu học tập, lý do ấy có thể tạm chấp nhận. Nhưng học sinh THCS còn quá ít tuổi để không bị lôi kéo vào những chương trình giải trí hấp dẫn trên ĐTDĐ. Khi học sinh chỉ chăm chú vào ĐTDĐ, bài giảng của giáo viên không khác gió thổi mây bay. Đã cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp học, biện pháp kiểm soát là thách thức lớn.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ: “Theo tôi, đây là thay đổi cần thiết và phù hợp với cách học tập hiện nay, khi ngành giáo dục có xu hướng tận dụng những lợi ích của công nghệ. Thông tư không hướng dẫn cụ thể mà hàm ý giao nhiệm vụ quản lý cho giáo viên. Điều này có thể làm khó giáo viên vì ở đô thị lớn hầu hết lớp học có 40-60 học sinh, trong giới hạn tiết học 45 phút/tiết, giáo viên phải làm rất nhiều thao tác. Giờ lại giao cho họ thêm nhiệm vụ hướng dẫn học sinh dùng ĐTDĐ để học tập thì hơi khó”.
Ông Thắng cũng lưu ý thông tư này là giải pháp mang tính khuyến khích đổi mới phương thức dạy học, áp dụng công nghệ vào học tập, không phải yêu cầu mang tính bắt buộc. Nhà trường và phụ huynh cần quan tâm hơn đến cách thức quản lý để chặn các web xấu độc, hướng các em dùng điện thoại để học tập thay vì sa đà vào các trò giải trí. Bởi đây là xu hướng khó tránh khỏi vì việc học ngày nay đang tích hợp rất mạnh mẽ với công nghệ. Cái chúng ta cần quan tâm là quản lý và sử dụng thế nào cho phù hợp.
Cho học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, có lẽ khó phân tích rạch ròi đúng - sai. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy có tới 59% học sinh nam và 64% học sinh nữ đã từng bị bắt nạt qua mạng. Đáng lo ngại, nhiều trẻ vị thành niên không lường được tác hại và hậu quả của bắt nạt trên mạng. Có đến 25% trẻ vị thành niên cho rằng sẽ không bị phát hiện hay bắt quả tang khi thực hiện bắt nạt, chửi bới trên mạng internet.