Mới đây, Bộ Xây dựng đã quyết định cho doanh nghiệp xây dựng loại căn hộ chung cư có diện tích tối thiểu là 25m2. Loại căn hộ diện tích nhỏ 25m2 sẽ phù hợp với nhu cầu và thu nhập của nhiều người lao động, nhưng có thể gây hệ lụy nặng nề, tăng áp lực cho đô thị.
Gia đình chị Nguyễn Thu Trang đang thuê một căn phòng có diện tích hơn 20m2 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhà ở xã hội khan hiếm, chính sách cho vay vốn mua nhà đang ách tắc, nên khi biết thông tin loại căn hộ 25m2 có thể được xây dựng và bán ra thị trường, chị Trang rất vui mừng.
“Nhà có diện tích 25m2 cũng khá phù hợp bởi diện tích như vậy giá sẽ rẻ và nhiều người dễ mua. Tuy nhiên bản thân nhận thấy loại nhà 25m2 này phù hợp để cho thua hơn là mua ở lâu dài, nhiều người vẫn cố gắng mua diện tích rộng hơn vì còn có cả con cái nên 25m2 là hơi nhỏ”, chị Trang phân trần.
Luật Nhà ở năm 2005 quy định, nhà ở thương mại không được nhỏ hơn 45m2. Nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị được xây dựng nhà ở thương mại có diện tích từ 30-40m2.
Vì vậy, Luật Nhà ở năm 2014 đã bỏ quy định giới hạn diện tích tối thiểu 45m2 đối với căn hộ chung cư thương mại, chỉ quy định phải xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, diện tích sàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.
Trong thời gian chờ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, Bộ Xây dựng cho phép đối với căn hộ chung cư thương mại có thể áp dụng tạm thời tiêu chuẩn diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25m2, tương đương quy định về diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, việc phát triển loại nhà diện tích nhỏ là phù hợp với nhiều người có thu nhập trung bình thấp, hộ độc thân hoặc vợ chồng trẻ, và chỉ để cho thuê… Tuy nhiên, nếu cho xây dựng căn hộ 25m2 để bán thì chỉ nên cho phép với một tỷ lệ nhất định.
“Nhu cầu phát triển nhà diện tích nhỏ là xu thế, tuy nhiên phải định hình ra tỷ lệ cho phân khúc này, từ đó điều chỉnh bằng chính sách. Khi quy định cơ cấu căn hộ của các khu đô thị, phân khúc nhà ở 25m2 chỉ được chiếm tỷ lệ 5-10%, không cho phát triển ồ ạt sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa”, ông Điệp nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu cho phép xây dựng loại nhà có diện tích 25m2 khi không có quy hoạch sẽ dẫn đến quá tải dân số. Vừa qua đã có bài học về xây dựng chung cư có diện tích nhỏ 45-55m2, cao 30-40 tầng như ở khu đô thị Linh Đàm, khu chung cư Kim Văn – Kim Lũ…, đã “phá vỡ” quy hoạch, gây áp lực lớn cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ông Lại Văn Tư, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Phúc Hà nhận định, mặc dù cho xây nhà 25m2 sẽ kích thích các nhà đầu tư vào phân khúc này, đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở đô thị, nhưng cần tính đến những tác động về mặt xã hội, môi trường, nhất là quá tải về giao thông và giáo dục.
“Chúng ta cần tính đến nguy cơ nhà diện tích nhỏ sẽ phá vỡ những cấu trúc về quy hoạch. Trước khi cho phép 1 đơn vị nào xây dựng, cơ quan Nhà nước cần tính trước, hoàn chỉnh và tuân thủ theo quy hoạch. Kể cả trong quản lý về kinh doanh, để đáp ứng đúng đối tượng, cần có những chế độ, chính sách để người mua nhà nào được tiếp cận và được mua những sản phẩm nhà 25m2”, ông Tư nêu ý kiến.
Trước lo ngại về việc cho xây dựng căn hộ thương mại 25m2 sẽ dẫn đến hình thành những “khu ổ chuột” trong tương lai, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần yêu cầu các chủ đầu tư đảm bảo điều kiện về hạ tầng, chất lượng xây dựng, tỷ lệ căn hộ 25m2 trong dự án để không tăng mật độ dân số. Vấn đề ở đây là việc quản lý phải rất chặt chẽ.
“Thị trường sẽ quyết định diện tích nhà, không phải cứ xây lên là bán hết. Người mua nhà hiện nay cũng lựa chọn những nơi có điều kiện sống tốt, hạ tầng tốt. Vấn đề là có quỹ nhà nhưng xquản lý tốt hay không? Phải có quy định 1.000 dân thì số lượng căn hộ chỉ được xây dựng là bao nhiêu, không được để nhà đầu tư xây gấp 3, 4 lần quy định mà cơ quan quản lý vẫn làm ngơ”, ông Hà bày tỏ quan điểm.
Với thực tế nêu trên, việc xây nhà diện tích 25m2 còn nhiều lo ngại về áp lực dân số, áp lực hạ tầng cơ sở trong tương lai. Trong khi quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng thời gian qua còn nhiều bất cập thì rõ ràng những lo ngại này là có cơ sở.