Bởi lẽ, giá trị thật của xá lợi tóc vẫn còn mơ hồ, nhưng hành vi mang màu sắc thần bí kia khiến không khí chốn thiền môn bị xáo động thị phi.
Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Thời điểm chúng tôi đến làm việc, đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng báo cáo là đã xuất ngoại, hình như đi Lào. Còn xá lợi hiện không có ở chùa Ba Vàng nữa”. Nghĩa là “tang chứng” của sự kiện ồn ào đã được xử lý khéo léo. Tuy nhiên, câu chuyện xá lợi tóc vẫn để lại dư âm ê chề cho xã hội.
Trước đó, chùa Ba Vàng đưa ra thông tin, xá lợi tóc được trưng bày tại đây là một trong tám sợi tóc Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương buôn người Myanmar từ 2.600 năm trước. Thậm chí, chùa Ba Vàng còn khẳng định xá lợi tóc là vô cùng linh thiêng, cao quý, những ai dù chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường cũng được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau. Bởi năng lực của Đức Phật vẫn còn đang hiện diện trên thế gian này thông qua xá lợi tóc chuyển động, nên khi chúng ta bạch Phật thì Ngài vẫn gia hộ.
Trên trang thông tin chính thức của chùa Ba Vàng nhấn mạnh: “Trải qua 2.600 năm, sợi tóc vẫn còn nguyên vẹn. Hàng vạn nhân dân, phật tử đã tận mắt chứng kiến sợi tóc quay liên tục với nhiều hình dáng khác nhau, dù xung quanh không có gì để căng kéo hay điều khiển, khác hoàn toàn so với tóc của người bình thường”.
Hơi bất ngờ, dư luận đã có những phản ứng khác nhau. Nhiều tài khoản trên Facebook cho rằng có thể tìm thấy sản phẩm có hình dáng tương tự xá lợi tóc được bày bán trên sàn giao dịch thương mại với giá 500.000 đồng/sợi và cũng có thể chuyển động khi bị ướt. Theo nhiều người am tường, đây là cỏ pili, một loại cỏ khô được tìm thấy ở nhiều nơi, khi gặp khí hậu và độ ẩm nhất định nó sẽ tự chuyển động.
Hàng ngàn người đã kéo về chùa Ba Vàng để chiêm bái xá lợi tóc. Liệu xá lợi tóc chùa Ba Vàng rêu rao có phải là xá lợi tóc tương truyền, được lưu giữ ở chùa Shwedagon bên Myanmar? Khi Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh đến kiểm tra, chùa Ba Vàng vội vàng tiết lộ xá lợi tóc đã được đưa về Myanmar.
Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc “xá lợi tóc Đức Phật” được trưng bày tại chùa Ba Vàng, để có thông tin chính thức về sự việc.
Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo, xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm.
Hầu hết người có hiểu biết đều không hài lòng với cuộc trưng bày “xá lợi tóc” nhiều khuất tất và có xu hướng mê tín dị đoan. Có ý kiến gay gắt bình luận, giả sử sợi tóc ấy là có thật đi chăng nữa, 2.600 năm đã trôi qua, gió bụi bao kiếp người, một sợi tóc còn lại cũng chẳng để nói lên điều gì cả. Nó có thực sự quan trọng không? Nó có cứu rỗi thế gian đang khổ não này không?
Hoàn toàn không. Huống gì, theo quan niệm của nhà Phật, tóc là biểu tượng của phiền trần, người đi tu buông bỏ nó như một ý niệm buông bỏ phiền não, nay người đời sau lại nhặt nó về để lạy lục khấn vái? Vậy thì, hãy bớt u mê lại, về nhà xem tóc cha mẹ mình, kể cả tóc của chính mình đã bao mùa bạc vì muộn phiền, rồi có lạy lục khấn vái, sám hối thì hẵng làm. Chẳng Phật đâu bằng Phật trong nhà mình và trong chính mình.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Anh Sướng, nếu đúng đó là xá lợi tóc của Đức Phật, có nên đến chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường để được vô lượng phước báu cho hiện đời và nhiều đời về sau? Câu trả lời là không nên mất thời gian làm việc đó. Những ai học đạo Phật, hiểu chánh pháp đều biết rằng Phật không phải là vị thần linh có phép thuật muôn màu để ban phúc, trừ họa.
Thời tại thế, Ngài luôn chỉ dạy rằng tất cả họa và phúc đều do nhân quả mà thành. Gieo nhân nào gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt.
Còn TS. Đỗ Xuân Thảo bày tỏ: Thay vì xá lợi thân của Đức Phật, hãy chiêm bái và duy trì xá lợi pháp của ngài. Chính Đức Phật đã từng nói: “Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự Pháp của ta, đừng là những người thừa tự tài vật”.
Nên những điều Đức Phật truyền dạy cho chúng ta gọi là xá lợi pháp chứ không phải xá lợi thân: “Nếu các con muốn giác ngộ ngay trong kiếp này, giải thoát khỏi đau khổ, hãy duy trì xá lợi pháp của ta”. Những phẩm hạnh tốt đời đẹp đạo của Đức Phật mới là điều bá tánh trân trọng và theo đuổi, không phải một vật được gọi là “xá lợi tóc”.
Trước sự việc “xá lợi tóc”, chùa Ba Vàng đã từng có nhiều hoạt động khiến nhiều giới, nhiều ngành âu lo. Hết “thỉnh vong trái chủ” lại đến “xá lợi tóc”. Liệu chùa Ba Vàng có lạm dụng nơi thanh tịnh để mua thần bán thánh? Đức tin của mỗi người đều đáng quý, nhưng đời sống tâm linh không thể dung túng cho những chiêu trò mê tín dị đoan hòng trục lợi. Đã đến lúc phải nghiêm túc chấn chỉnh các hành vi phản cảm để cửa Phật được hướng thiện trong lành.
Chính Đức Phật đã răn “ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá”, và “khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết”. Những người đã khoác áo tu hành không nên tranh thủ sự kém hiểu biết của một bộ phận để thực hiện các thủ đoạn dối trá phục vụ động cơ thấp hèn riêng tư.
“Xá lợi tóc” là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc để mọi người cùng nhìn lại và tu dưỡng đức tin của mình. Không thể tiếp tục thản nhiên a dua “tâm lý bầy đàn” mà làm nhiễu nhương cuộc sống vốn đã lắm dung tục xót xa.