Bạo lực gia đình từ lâu đã thành một vấn đề được cộng đồng quan tâm. Đặc biệt, vài năm gần đây, khi các mạng xã hội phát triển đã hé lộ nhiều mảng tối về bạo lực gia đình. Liên hiệp quốc cũng khẳng định quyết tâm kiểm soát mạnh mẽ hơn thực trạng bạo lực gia đình. Do đó ngày 25-11 hàng năm được lấy làm Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
![]() |
Bạo lực gia đình là mối đe dọa cho công cuộc xây dựng gia đình văn hóa và đất nước văn minh. Một số liệu mới đây của Bộ Công an cho biết hơn 32% phụ nữ kết hôn từng bị bạo hành thể chất, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần, kinh tế hoặc tình dục. Hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình Việt Nam chưa cao. Để góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình, giảm bớt sự đau đớn và sợ hãi cho các nạn nhân, ngoài hoạt động tuyên truyền cần phải có lực lượng chuyên trách. Bộ Công an đã đồng ý chủ trương cho thí điểm thành lập đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình tại Bến Tre
Mặc dù đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nhưng vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành nhằm thực thi một cách rốt ráo. Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, bạo lực gia đình diễn ra thường xuyên nhưng hầu hết các nạn nhân đều không tường tận về quyền lợi được bảo vệ đúng mức và được chăm sóc của xã hội.
Hiện nay, điều đáng ái ngại nhất, là một bộ phận không nhỏ vẫn quan niệm bạo lực gia đình chỉ mang tính riêng tư của mỗi nhà. Bạo lực gia đình không chỉ làm tổn thương một cá nhân nào đó, mà còn tạo nên di chứng dài lâu cho những người xung quanh. Một người mẹ bị bạo hành sẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành nhân cách của đứa con. Phần lớn những trẻ em hứng chịu bạo lực gia đình sẽ có xu hướng phạm tội khi lớn lên.
Bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nhận định cảnh sát có trách nhiệm phải bảo vệ nạn nhân bị bạo hành, hỗ trợ pháp lý và đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các nạn nhân. Vì vậy, việc thí điểm thành lập đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình là một tín hiệu tích cực. Trong tương lai, mỗi địa phương cần thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin bạo lực gia đình để có hướng tư vấn và giải quyết kịp thời vấn nạn xã hội này.