Đo thân nhiệt người dân ra vào khu chợ tự phát hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5 quận 3)
“Yêu cầu chị chấp hành nghiêm quy định tạm ngưng kinh doanh có khách ngồi lại quán”, anh Vũ (cảnh sát khu vực) cùng tổ kiểm tra phường 11 quận Phú Nhuận trong chuyến tuần tra nhắc nhở…
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Đến Công an phường 11 quận Phú Nhuận, chúng tôi theo chân tổ tuần tra đang làm công tác tuyên truyền tại các tổ dân phố xuống địa bàn khu phố 1. “Anh Hoàng có nhà không?”. Nghe tiếng một thành viên trong tổ tuần tra hỏi, anh Hoàng vội ra mở cửa. “Cháu H., con anh nay ổn chưa? Có triệu chứng gì là gia đình báo cơ quan y tế và phường ngay nhé”. “Vâng, cháu vẫn khỏe, nay sang ngày thứ 8 rồi”. Anh Vũ, cán bộ Công an phường 11, cho chúng tôi biết trên địa bàn phường có 3 trường hợp từ nước ngoài về đều thực hiện khai báo đúng quy định. Hàng ngày, anh em cảnh sát khu vực đi kiểm tra, nắm bắt thông tin từng trường hợp để kịp thời phối hợp với cơ quan y tế xử lý khi có người nghi mắc bệnh Covid-19 tại địa bàn.
Tại phường 5 quận 3, địa phương có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của thành phố, công tác kiểm tra, tuyên truyền phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường chỉ đạo chặt chẽ công tác rà soát, nắm địa bàn tới từng hộ dân để vận động, tuyên truyền. Những điểm nóng tập trung đông người như khu chợ tự phát tại hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu được lập chốt kiểm dịch, kiểm tra khai báo y tế người ra vào hẻm và ngăn chặn tình trạng họp chợ buôn bán. Chủ tịch UBND phường 5 Trần Khánh Linh cho biết, hàng ngày, các tổ kiểm tra gồm lực lượng dân quân, cảnh sát khu vực, đô thị, bảo vệ dân phố đến từng hộ phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 và nắm tình hình dân cư đi/đến địa bàn, tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt của các hộ khó khăn để kịp thời hỗ trợ.
Không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tại nhiều địa bàn dân cư của các quận huyện còn thiết lập các Fanpage, group trên Zalo, Viber, Facebook để tương tác giữa cộng đồng dân cư với ban điều hành các tổ dân phố, các chung cư, khu phố và UBND phường xã trong công tác vận động, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên từng địa bàn dân cư.
Chung sức vượt qua dịch bệnh
“Nếu khó khăn mời bà con nhận một phần”. Từ gần một tháng nay, trên các tuyến hẻm, khu phố phường Tân Thới Nhất (quận 12) xuất hiện những điểm phát quà từ thiện giúp người nghèo, công nhân trên địa bàn bị mất việc làm do dịch Covid-19. Chương trình do Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Tân Thới Nhất đứng ra tổ chức. Lúc đầu chỉ dành cho cư dân trong phường, sau thấy có nhiều công nhân, lao động tự do bị mất việc nên chương trình đã mở rộng ra nhiều địa bàn khác. Gạo, mì gói và những vật dụng, thực phẩm thiết yếu được phường vận động người dân đóng góp. Ai có gì góp nấy, nhiều người mang từng bó rau, ký thịt, hộp sữa đến chung góp. Anh Nguyễn Văn Hải, đảng viên Chi bộ khu phố 2, cho biết: “Chi bộ phân công đảng viên đi từng nhà hỏi thăm xem có khó khăn gì không để giúp. Qua đó không chỉ kịp thời hỗ trợ những trường hợp có khó khăn, mà còn nắm bắt tình hình dân cư, tuyên truyền phòng chống dịch”.
Ở phường 9 quận 3, Ủy ban MTTQ phường cũng có cách làm tương tự thông qua Fanpage Phuong Chin Mattran trên Facebook, vừa tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 vừa vận động người dân tham gia vào các điểm phát quà người nghèo, bán vé số dạo trên địa bàn. Hàng ngày, cán bộ MTTQ phường và các đoàn thể chia nhau đến từng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tìm hiểu đời sống sinh hoạt và trao tặng gạo, mì, thực phẩm thiết yếu. Cán bộ mặt trận còn kết hợp với cảnh sát khu vực đi vận động các chủ nhà cho thuê giảm giá 30%-50% cho những hộ thuê có hoàn cảnh khó khăn…
Còn rất nhiều phương thức, cách làm thiết thực của những cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương với tinh thần chia sẻ, góp sức với người dân vượt qua dịch Covid-19. Mỗi việc làm giúp dân, dù nhỏ, trong lúc khó khăn này đã như cầu nối giữa người dân với chính quyền cùng chung sức trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, và là liều thuốc quý giúp người nghèo khó có thêm tinh thần, niềm tin vào cuộc sống để đi qua dịch bệnh.