Vì thế, việc tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các khu dân cư, đặc biệt là tại các hộ gia đình, đang được quan tâm, đẩy mạnh.
Đoàn công tác Phòng PC07, Công an TPHCM tặng bình chữa cháy cho người dân ở quận 4
Phải bố trí lối thoát nạn
Từ tháng 4-2021 đến giữa tháng 2-2022, ở phường 4 và phường 10 (quận 4, TPHCM) không xảy ra vụ cháy nổ nào. Tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở kinh doanh ở 2 phường này thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCCC khá cao. Cụ thể, phường 4 quản lý 50 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, 2.203 nhà ở riêng lẻ thì các cơ sở đều có bình chữa cháy và phương tiện thoát nạn (búa, rìu, thang dây…).
Tương tự, phường 10 đang quản lý 87 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, 1.888 nhà ở riêng lẻ thì có 79 cơ sở và gần 1.530 nhà ở riêng lẻ xây dựng 2 lối thoát nạn. Bà Lê Thị Cẩm Vân, chủ cơ sở kinh doanh ở phường 4 (quận 4), cho biết, bà buôn bán nhỏ trong khu dân cư đông người nên luôn trang bị bình chữa cháy để phòng nguy cơ cháy nổ.
Tuy nhiên, kiểm tra tại 2 phường này, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TPHCM ghi nhận nhiều hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo quy định PCCC. Đối chiếu với các quy chuẩn, quy định về PCCC thì còn nhiều điểm cần khắc phục. Theo Quyết định 16 của UBND TPHCM ngày 31-5-2021 quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân phải thực hiện các biện pháp PCCC.
Cụ thể, nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ 2 nội dung; nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất phải đảm bảo 7 nội dung, đặc biệt là phải bố trí lối thoát nạn. Nhà ở riêng lẻ phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà, hoặc lối ra khẩn cấp như: ban công, lối lên sân thượng hoặc lên mái nhà…
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07, Công an TPHCM, cho biết, tình hình cháy nổ trên địa bàn TPHCM diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình như vụ cháy ở quận 8 làm 3 người chết, ở quận 11 làm 8 người chết, ở TP Thủ Đức làm 6 người chết, ở quận 3 làm 2 người chết... Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như trên là do người dân chủ quan, chưa quan tâm đến công tác PCCC, chưa chuẩn bị lối thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Nâng cao ý thức phòng ngừa
Trước đây, quận Bình Tân là địa bàn “nóng” về cháy nổ, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản. Các vụ cháy nổ xảy ra hầu hết là do vi phạm các quy định trong sử dụng điện, bất cẩn trong sinh hoạt. Những vụ cháy tập trung ở các công ty, nhà dân, hộ kinh doanh. Gần đây, ý thức cảnh giác của người dân đã được cải thiện, tình hình cháy nổ trên địa bàn quận chuyển biến tích cực.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (chủ nhà trọ ở phường An Lạc) cho biết, nhà bà bán quán nước kết hợp với cho thuê phòng trọ nhiều năm qua. Do thấy nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra, nên gia đình đã ý thức hơn, tự trang bị bình chữa cháy, chuẩn bị dây thoát hiểm để nếu xảy ra cháy, người bên trong thoát thân được.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng Phòng PC07, phân tích, khi có cháy, người trong nhà sẽ có cơ hội thoát ra nếu nơi đây có lối thoát nạn thứ 2. “Lối thoát nạn thứ 2 rất quan trọng. Nếu chậm trễ, khói sẽ bao trùm mũi, ngay lập tức người trong nhà sẽ bị ngạt thở, gục xuống và chết vì khói”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng nhấn mạnh; đồng thời nhắc nhở người dân tạo thói quen trước khi đi ngủ hay ra khỏi nhà thì cần kiểm tra, tắt hết các thiết bị điện.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết thêm, để chấn chỉnh, khắc phục những điểm mất an toàn về PCCC, Phòng PC07 đã lập nhiều đoàn kiểm tra an toàn PCCC tại nhiều khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Ngoài kiểm tra, xử phạt, PC07 còn hướng dẫn người dân, hộ gia đình, các cơ sở thực hiện các biện pháp PCCC và thoát nạn.