Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bảo vệ tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn, đồng thời phòng chống dịch.
Đồng thời các địa phương chuẩn bị lực lượng phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng; lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.
Bộ Công thương chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện. Bộ NN-PTNT chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; thu hoạch lúa và hoa màu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp...
* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tiếp với các bộ ngành, thành viên liên quan và trực tuyến với 10 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên để triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới (có thể mạnh lên thành bão).
Tại cuộc họp, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, thông tin, các cơ quan dự báo của quốc tế liên tục thay đổi nhận định về hướng di chuyển, cường độ của áp thấp nhiệt đới này, với nhiều mô hình dự báo khác nhau. Tuy nhiên, cơ quan dự báo khí tượng của Việt Nam nhận định, trong vòng 24-36 giờ kể từ chiều 6-10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Khi tiến sát gần đất liền, bão sẽ có xu hướng di chuyển chếch lên phía Tây Bắc, đi vào khu vực giữa Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ.
Theo ông Mai Văn Khiêm, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới (bão) sẽ tạo vùng mưa từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên, trong đó từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi sẽ có lượng mưa đặc biệt lớn, có nơi tới 600mm từ ngày 6 đến 8-10. Từ ngày 9 đến 12-10, do tương tác của bão với không khí lạnh nên vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ. Ông Khiêm cũng cảnh báo, các dữ liệu quan trắc cho thấy, trong tháng 10, khu vực Trung bộ có thể dồn dập mưa lũ với lượng mưa cao hơn các năm khoảng 15%-20%.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có công điện chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Bình Thuận thực hiện các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới, trong đó đặc biệt chú trọng tới 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đến chiều 6-10, 3 tỉnh này vẫn còn tàu thuyền, ngư dân hoạt động trong khu vực bị ảnh hưởng. Mặc dù về cơ bản, các thuyền trưởng đã nắm được thông tin áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển phòng tránh. Tuy nhiên, theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tỉnh này vẫn có một số tàu thuyền chủ trương neo dù trên biển để chờ áp thấp nhiệt đới đi qua sẽ tiếp tục khai thác hải sản.
Khẳng định việc này là rất nguy hiểm, Đại tá Nguyễn Đình Hưng đề nghị Quảng Nam kiên quyết kêu gọi các tàu thuyền này di chuyển trú tránh, không được chủ quan; đề nghị các đồn biên phòng của 3 tỉnh này cử cán bộ xuống, phối hợp với cấp xã, tới từng gia đình có tàu thuyền còn trên biển để cảnh báo, vận động các thuyền trưởng chấm dứt tình trạng neo dù, chấp hành nghiêm túc quy định về phòng chống thiên tai, phải tìm nơi neo đậu an toàn, nhất là với các tàu thuyền còn ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.
Chủ trì cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tiếp tục khẳng định việc các tàu của tỉnh Quảng Nam cố tình thả dù trên biển là rất nguy hiểm. Bởi không chỉ đợt áp thấp nhiệt đới (bão) này, sau khoảng 1 tuần nữa, sẽ tiếp tục có cơn bão mạnh đổ bộ vào Biển Đông.
* Để ứng phó với bão số 7, tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, ngay trong ngày 6-10, các địa phương ở miền Trung (từ Quảng Ngãi đến Nghệ An) đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Bộ đội biên phòng các địa phương cũng huy động lực lượng hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Đến chiều cùng ngày, còn khoảng 50 tàu đánh bắt ven bờ cũng đã trên đường vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của bão.
Trong khi đó, UBND huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện 18 dự án điện gió trên địa bàn đã có phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra mưa lũ. Tại các khu vực tập kết đất đá đã được chủ đầu tư thực hiện các giải pháp an toàn, chống sạt lở. Những ngày qua, mưa lớn đã gây ra 19 điểm sạt lở lớn tại 7 huyện, thị xã; uy hiếp đến sự an toàn của gần gần 500 hộ dân ở Quảng Bình. Hiện toàn bộ các hộ dân trên đã được sơ tán đến nơi an toàn.
* Khoảng 12 giờ 30 ngày 6-10, tàu SAR 274 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) đã đưa thuyền trưởng Lê Ngọc Phúc (37 tuổi, trú tại xã Tam Thanh, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cùng 2 thuyền viên tàu QNa 94898 TS về đến Đà Nẵng an toàn và chuyển vào bệnh viện để cấp cứu.
Trước đó, vào hồi 7 giờ 5 phút cùng ngày, tàu QNa 94898 TS gồm 3 thuyền viên đang trên đường đi tránh trú áp thấp nhiệt đới thì xảy ra tai nạn tại vị trí 16,30 vĩ Bắc - 108,470 kinh Đông (trên vùng biển giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế). Do điều kiện thời tiết xấu, tàu chao lắc dữ dội khiến thuyền trưởng Lê Ngọc Phúc bị tời đánh vào vùng đầu gây chấn thương nặng, mất máu nhiều và bất tỉnh ngay sau đó. Nhận được tin ứng cứu từ tàu Qna 94898 TS, Danang MRCC đã điều động tàu SAR 274 khẩn trương lên đường đi cứu nạn. Tàu QNa 94898 TS đã bị chìm tại hiện trường ngay sau đó.