Chữ ký số công vụ phải được mã hóa bởi Ban Cơ yếu của Chính phủ

(ĐTTCO) - Thảo luận tại nghị trường về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào sáng 30-5, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định chữ ký số chuyên dùng công vụ.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nhận định, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là dịch vụ công quan trọng, đặc thù, do đối tượng sử dụng dịch vụ là công chức, viên chức nhà nước.

“Lĩnh vực quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ và quản lý về chữ ký số chuyên dùng công cộng là 2 lĩnh vực riêng biệt, có đặc thù khác nhau về đối tượng, mục tiêu, phương thức quản lý hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, khi quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng”, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân, thực tiễn từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng, được Chính phủ giao cho 2 cơ quan khác nhau quản lý. Trong đó, Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Bộ TT-TT quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng. Nay, dự thảo Luật quy định Bộ TT-TT quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số nêu trên.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.

Đồng thời, đề nghị bổ sung 1 khoản quy định trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Quản lý và triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo Chính phủ về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Các ĐB Hoàng Hữu Chiến (An Giang), Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội), Nguyễn Minh Đức (TPHCM) và một số ĐB khác ủng hộ quan điểm này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã có nhiều văn bản, tờ trình báo cáo cơ quan soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh sửa một số nội dung dự thảo Luật. Về cơ bản, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến. Tuy nhiên,

ĐB Nguyễn Minh Đức phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Minh Đức phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập một cơ quan riêng biệt thuộc Bộ Quốc phòng cũng như của Bộ Công an để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như an ninh quốc gia trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các chỉ thị, nghị quyết và các giấy tờ khác không đơn thuần là các văn bản sẽ được ký ban hành trên môi trường điện tử, cho nên phải sử dụng kỹ thuật mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm trước. Bộ Quốc phòng và Chính phủ về quản lý nhà nước cả về kỹ thuật và con người, gắn với trách nhiệm.

"Chúng tôi cho rằng cần sửa lại khoản 4, điều 7 dự thảo Luật theo hướng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu, quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử”, ĐB Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM tham dự phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM tham dự phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Có quan điểm khác, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cơ quan chịu trách nhiệm chính thẩm tra dự luật cho rằng, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) về cơ bản đã hoàn tất quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Về chữ ký số chuyên dụng công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất quan điểm một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ là loại chữ ký điện tử được sử dụng công khai trong giao dịch của cơ quan nhà nước. Việc cấp cho các cơ quan nhà nước chứng thư, chữ ký số chuyên dụng công vụ cho mục đích ký số thực chất là một hoạt động dịch vụ công phục vụ giao dịch của các cơ quan quản lý nhà nước.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

“Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, giao dịch điện tử hoạt động hàng ngày không thuộc phạm vi hàm chứa bí mật nhà nước. Hiện nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ”, ông Nguyễn Phương Tuấn cho biết.

Phát biểu tiếp thu cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của ĐB, đảm bảo dự án luật đạt chất lượng cao. Ông Lê Quang Huy cũng nói rõ, quy định như dự thảo hoàn toàn không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các quan quản lý nhà nước hiện nay.

Các tin khác