Chủ tịch AVR: Doanh nghiệp Việt không còn đường lùi

(ĐTTCO) - Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), cho rằng trong bối cảnh hiện nay DN Việt Nam có thể lựa chọn cách vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các DN Trung Quốc ngay trên chính “sân nhà”.

Bên trong kho GIGA của Trung Quốc ngay sát biên giới Việt Nam.
Bên trong kho GIGA của Trung Quốc ngay sát biên giới Việt Nam.

PHÓNG VIÊN: - Thời gian qua, cùng với việc sắp xếp lại mô hình sản xuất của các DN trong nước, Trung Quốc cũng đã mở nhiều kho GIGA ngay sát biên giới Việt Nam, giúp hàng hóa Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Vậy điều này có ảnh hưởng thế nào đến hàng Việt, thưa ông?

Ông NGUYỄN ANH ĐỨC: - Câu chuyện Trung Quốc mở hàng loạt tổng kho GIGA đặt sát biên giới Việt Nam không phải bây giờ mới có, tôi cũng đã được nghe từ nhiều tháng trước đó. Điều này đem đến cả cơ hội lẫn thách thức ở cả phía người tiêu dùng lẫn DN trong nước.

Thứ nhất, có thể xem đây là cơ hội, vì sự xuất hiện của các kho hàng này nếu nhìn theo hướng tích cực sẽ giúp người tiêu dùng Việt có thêm lựa chọn, từ giá thành tốt hơn đến chất lượng tốt hơn. Mặt khác, nó còn là đòn bẩy với hệ thống logistics nội địa Việt Nam phát triển, khi chúng ta buộc phải thay đổi để tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại. Thêm vào đó, đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam có thể tận dụng hệ thống kho hàng này để đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, giúp DN Việt tiếp cận thị trường khổng lồ Trung Quốc được thuận lợi hơn.

Thứ hai, đây cũng là thách thức với các DN sản xuất và phân phối bán lẻ trong nước, khi chúng ta buộc phải cạnh tranh với một đối thủ mạnh ngay trên sân nhà với tiềm lực mạnh hơn, hàng hóa đa dạng hơn, rẻ hơn, thậm chí chất lượng cũng không hề thua kém chúng ta. Rõ ràng, qua câu chuyện này cũng buộc các DN Việt Nam phải thay đổi cả về mô hình, tổ chức lại sản xuất, phân phối cũng như buộc phải làm quen, nhập cuộc với một lối chơi mới và tâm thế chủ động hơn nếu không muốn bị thua ngay trên chính sân nhà.

NguyenAnhDuc.jpg

- Hiện nay các DN Trung Quốc cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào khâu đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, đơn cử như việc sử dụng nhân viên ảo để livestream (AI livestream) bán hàng. Điều này đặt các DN sản xuất cũng như bán lẻ Việt Nam trước thách thức gì?

- Tôi có thể khẳng định ngay rằng, đây là thách thức rất lớn đối với các DN Việt Nam hiện nay, trong đó có nhóm các DN bán lẻ. Ở một góc độ nào đó, chúng ta có thể thấy các DN Việt Nam trong khâu bán hàng đang chậm hơn các DN Trung Quốc trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ.

Khách quan mà nói, từ câu chuyện trên cũng đặt ra câu hỏi cho các DN Việt Nam đã thực sự chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình, đã áp dụng các công nghệ vào sản xuất cũng như bán hàng một cách hiệu quả hay chưa. Rõ ràng, công nghệ đó không chỉ là độc quyền của Trung Quốc mà nhiều nước khác cũng có. Vấn đề là DN bán lẻ Việt Nam có chủ động đầu tư hay không.

Tôi cho rằng có 3 vấn đề đặt ra đối với các DN trong nước. Thứ nhất, bản thân các DN Việt Nam cần xác định rõ ràng rằng đã sẵn sàng cho một cuộc chơi mới hay chưa, tham gia với tâm thế gì và cần chuẩn bị những gì. Trước hết, đó có thể là lối chơi vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.

Ở khía cạnh hợp tác, DN Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động hợp tác với DN Trung Quốc để cùng khai thác kênh phân phối như về kho GIGA, về công nghệ AI... Nghĩa là trong quá trình hợp tác, đôi bên vẫn cùng có lợi, DN Việt Nam vẫn cung ứng được các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng, không phải chỉ là thị trường Việt Nam mà còn ở thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Thứ hai, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng bộ quy tắc, hay đúng hơn là hàng rào kỹ thuật về thương mại để bảo vệ sân nhà, bảo vệ DN sản xuất và phân phối trong nước, song vẫn phù hợp với khung khổ luật pháp thương mại quốc tế, của Hiệp định RCEP cũng như thỏa thuận thương mại song phương hai nước Việt - Trung liên quan đến mậu dịch tự do đã ký kết. Rào cản kỹ thuật đó có thể tập trung vào những nội dung liên quan đến những khía cạnh cụ thể như: quy định về phạm vi và hoạt động của DN trên không gian mạng, về những yếu tố liên quan đến thông tin tuyên truyền, quảng bá…

Thứ ba, ở góc độ của các nhà phân phối bán lẻ Việt Nam, cũng phải nghĩ đến bài toán cần chủ động ứng dụng các giải pháp công nghệ AI. Bởi chúng ta cũng có những kho hàng hiện hữu ở trong hệ thống của các DN chúng ta, có thể thuận lợi hơn DN Trung Quốc rất nhiều, vậy tại sao khâu bán hàng chúng ta lại không ứng dụng công nghệ, ứng dụng AI? Nếu DN chưa ứng dụng công nghệ đó thì có hợp tác cùng nhau để cùng phân phối hàng hóa.

- Ông đánh giá khả năng đương đầu và chiến thắng trên sân nhà của DN Việt Nam ra sao?

- Thực ra, nếu nhìn vào bức tranh cạnh tranh của DN Việt Nam hiện nay với các DN nước ngoài, trong đó có DN Trung Quốc, thì không thể tách rời xu hướng của toàn cầu hóa và thế giới phẳng. Các DN bán lẻ cũng không ngoại lệ. Bản thân các DN bán lẻ Việt Nam cũng mở cửa gần như sớm nhất, từ năm 2009 - chỉ sau 2 năm Việt Nam gia nhập và cam kết thực hiện các quy định của WTO.

Hiện nay, các DN bán lẻ trong nước cũng đang phải hứng chịu những tác động từ yếu tố kinh tế thế giới suy thoái ngay từ những ngày đầu. Sau hàng chục năm qua, DN bán lẻ Việt Nam ngay từ ngày đầu đã phải rất “gồng gánh” mới trụ vững và phát triển được như hiện nay.

Nhưng trong bối cảnh sắp tới, những mô hình, cách thức vận hành mới, đòi hỏi các DN bán lẻ phải đối mặt với cạnh tranh và thách thức kinh khủng hơn rất nhiều, mà câu chuyện mô hình bán hàng của Trung Quốc là một thí dụ. Thực tế này cũng đòi hỏi DN ngành bán lẻ trong nước phải thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển thương mại điện tử.

Mặt khác, với các nhà bán lẻ truyền thống buộc phải có chiến lược đầu tư phát triển thêm các dịch vụ cung ứng trực tuyến, cải tiến hoạt động kinh doanh hệ thống cửa hàng theo hướng tăng tương tác trải nghiệm trực tiếp và trực tuyến cho người tiêu dùng. Một yếu tố quan trọng khác, các DN bán lẻ phải ứng dụng số hóa, điện toán hóa nhằm bắt kịp xu hướng mới của thị trường.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác