Sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), để hoàn thiện Dự án luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UB VHGD) đã báo cáo giải trình một số nội dung cơ bản với các đại biểu quốc hội chuyên trách.
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UB VHGD, trước đó nhiều đại biểu nêu cần quy định chi tiết về “Triết lý giáo dục”, nhưng xét trên toàn diện và tham khảo thế giới, nhận thấy việc không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Ảnh: GIA KHÁNH
Trong khi đó, tiếp thu ý kiến về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, ông Phan Thanh Bình cho biết, Dự thảo Luật Giáo dục đã bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, Dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Thông tin với các đại biểu chuyên trách, ông Bình cho hay, để tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc: Học sinh tốt nghiệp THCS, THPT được tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong “Khung trình độ quốc gia Việt Nam”.
Trong khuôn khổ hội nghị, một số đại biểu lo ngại việc vẫn duy trì quy định giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ ngoại ngữ khiến nhiều giáo viên phải khổ sở để "chạy" lo việc này. Trong khi đó, cũng có đại biểu lo ngại việc giữ cách thi, cách kiểm tra như hiện nay khiến chất lượng giáo dục chưa đảm bảo; một số vấn đề được bàn thảo thêm như hội đồng trường, tài chính trong giáo dục, chương trình, sách giáo khoa mới… cũng được các đại biểu đặt ra trong dự thảo Luật Giáo dục sắp tới.
Liên quan tới một số vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình về chủ trương chương trình và sách giáo khoa.
Theo đó, Bộ sẽ thực hiện đúng như mục tiêu, tinh thần như Nghị quyết 88 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Tuy nhiên, khác với những lần đổi mới trước, lần này theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục chương trình tổng thể sẽ bám vào mục tiêu, đi vào chi tiết và môn học, tất cả được xây dựng trên nguyên tắc chuẩn đầu ra, có sự logic giữa các môn học.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, thực hiện khung chương trình phải nhất quán, trong tháng 4-2019 người viết sách giáo khoa sẽ được tập huấn. Theo chủ trương, việc làm sách giáo khoa phải trên tinh thần khuyến khích giáo viên chủ động thiết kế bài giảng, tránh thụ động dựa vào sách giáo khoa để thầy giảng, trò chép.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, hiếm có luật nào được bàn luận sôi nổi như Luật Giáo dục, thể hiện sự quan tâm lớn của đại biểu và toàn dân.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, mong muốn trong luật thì nhiều và cụ thể, tuy nhiên, Luật Giáo dục không đứng riêng được mà phải đứng trong tổng thể, luật dù có tốt nhưng còn phải liên quan tới các luật khác.
“Để đảm bảo tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản và tính văn hóa địa phương, trong chương trình thiết kế tỷ lệ 80% sử dụng trên toàn quốc, còn lại 20% thiết kế linh động theo tính địa phương. Các chương trình này sẽ được thẩm định có linh hoạt, sau đó mới ban hành”,Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết. |
“Có nhiều vấn đề hạn chế, tiêu cực trong ngành, nhưng nhìn lại không phải do luật chưa tốt mà do thực hiện chưa tốt. Luật Giáo dục lần này đã bám vào xu thế thế giới để hội nhập, trong đó có xu thế là không nhồi nhét, phải sáng tạo và tận dụng công nghệ mới”,Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay. |