Mãi hơn nửa tháng sau khi 250.000 hộ dân ở Hà Nội khốn khổ vì phải ăn uống, tắm giặt bằng nước bẩn, rồi bị cúp nước, vất vả xếp hàng nhận từng thùng nước và phải tốn kém tiền mua nước bình để có nước ăn uống, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà mới đăng thông cáo trên mạng nội bộ của doanh nghiệp, gửi lời xin lỗi người dân, cầu mong được lượng thứ và xin miễn tiền nước 1 tháng trong thời gian xảy ra sự cố.
Cư dân chung cư Linh Đàm (Hà Nội) xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe téc
Công ty cam kết sẽ có các phương án ứng phó cho tất cả tình huống khẩn cấp tương tự và nêu: “Là một doanh nghiệp, chúng tôi ý thức rằng sự lo lắng của khách hàng và sự hoang mang của người dân mới là tổn thất lớn nhất”.
Sự cố đã được khắc phục, những ngày khốn khổ đã qua đi, nên nỗi bức xúc của người dân vùng bị ảnh hưởng do sự cố này đã dịu. Nhưng sự việc này chưa thể khép lại. Thiệt hại do sự cố này rất lớn, không chỉ là sự lo lắng, hoang mang, mệt mỏi, khốn khổ của người dân, mà còn là tác hại về sức khỏe khi đã phải ăn uống, tắm giặt bằng nước bẩn độc hại.
Và còn phải kể đến thiệt hại cho sản xuất ở các ngành nghề chăn nuôi, chế biến thực phẩm, dược phẩm... do nguyên liệu nước nhiễm bẩn. Cho dù cơ quan điều tra đã điều tra, khởi tố những kẻ chủ mưu đổ trộm dầu nhớt thải gây nhiễm bẩn nguồn nước, nhưng Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà không hề vô can như trước đó lãnh đạo công ty này đã bao biện, cho rằng chính công ty là “đơn vị bị thiệt hại nặng nhất”, để nhất quyết từ chối xin lỗi dân.
Làm sao vô can được khi dù đã biết nguồn nước đầu vào bị nhiễm bẩn độc hại, nhưng công ty không có các phương án ứng phó và cũng không thông báo cho khách hàng, vẫn cung cấp nước không phải là nước sạch, gây nhiễm bẩn đường ống và gây hại cho khách hàng. Cũng qua sự cố này cho thấy, công nghệ của Nhà máy nước sông Đà đã lỗi thời, không có hệ thống quan trắc tự động và không có hệ thống xử lý Nano.
Dù nguyên do gì, việc nhà sản xuất thực phẩm chế biến, nhà hàng, quán ăn bán thực phẩm cho khách hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh là vi phạm pháp luật và phải chịu các biện pháp chế tài. Việc cung cấp nước nhiễm bẩn độc hại cho cả triệu người dân ăn uống, tắm giặt còn nặng tội hơn nhiều, vậy mà trước đó hai lãnh đạo Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà đã nhất quyết không chịu xin lỗi.
Nói về việc này, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà (đại diện cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước) đã khẳng định, đó là hành xử hết sức vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết. Đến bây giờ Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà mới có lời xin lỗi, tiếc rằng lời xin lỗi đã quá muộn màng, chỉ mang tính xoa dịu dư luận, chứ không thực sự nhận trách nhiệm.
Dư luận cho rằng cần phải xử lý theo pháp luật để răn đe, buộc các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhiều đến an toàn của người dân, nếu không, người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn khi xảy ra những sự cố tương tự. Cần ràng buộc rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.