Chúng ta nên cảm ơn lẫn nhau

(ĐTTCO) - Năm 2011, doanh nhân người Mỹ gốc Belarus, Gary Vaynerchuk, đã xuất bản cuốn Thank you economy (Nền kinh tế cảm ơn), và không lâu sau đó cuốn sách trở nên nổi tiếng toàn cầu.
Chúng ta nên cảm ơn lẫn nhau

Cuốn sách chỉ ra rằng, các công ty thu lợi nhiều nhất không phải là những công ty đổ tiền ra quảng cáo nhiều nhất, mà là những công ty có thể chứng tỏ rằng họ quan tâm đến khách hàng của mình hơn bất cứ ai.

Ngay trong lời tựa, Vaynerchuk đã cho biết: “Tôi luôn xem kinh doanh là cách để tạo dựng di sản và là cách khiến mọi người vui vẻ, nhưng tôi cũng kinh doanh để kiếm tiền, không phải chỉ rải “nắng ấm và cầu vồng”. Động cơ làm khách hàng vui vẻ của tôi không hẳn là vì lòng vị tha, mà vì khách hàng vui vẻ sẽ đáng giá hơn khách hàng bình thường rất nhiều”. Ông đúc kết: “Giao tiếp cởi mở, chân thành không chỉ là chìa khóa dẫn đến những mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân với nhau, còn là bản chất mối quan hệ giữa một thương hiệu hay doanh nghiệp với khách hàng”.

Ở góc độ xây dựng “nền kinh tế cảm ơn”, tác giả đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân phải tôn trọng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và cảm ơn khách hàng. Trên thực tế, điều này thời gian qua đã được các cửa hàng, doanh nghiệp thực hiện rất tốt: khi khách bước vào cửa đã nhận được lời chào trân trọng (nhiều nơi, nhân viên cúi rạp người để chào sau khi kéo cửa đón khách); sau khi khách sử dụng dịch vụ xong đều được cảm ơn và mời lần sau tiếp tục ủng hộ; thậm chí với một số dịch vụ, doanh nghiệp còn cử người gọi điện, gửi email tiếp tục cảm ơn và hỏi thăm khách hàng có vừa lòng, có góp ý gì không… Khi khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp tức đã làm lợi cho doanh nghiệp, nên họ cảm ơn và lời cảm ơn đó còn hàm ý khích lệ, gắn kết để khách hàng tiếp tục đến với doanh nghiệp.

Đã qua rồi cái thời người bán như ban phát, người mua như nài nỉ, mà đã đến lúc người bán phải khéo chiều lòng người mua để họ mua nhiều, mua không chỉ một lần. Chẳng hạn, ở một số địa phương phát triển nuôi tôm, các đại lý thức ăn tôm hàng năm tổ chức cho người nuôi tôm (đã mua một số lượng nhất định) được đi du lịch gắn với tham quan các mô hình nuôi tôm ở những tỉnh khác, như là cách cảm ơn khách hàng của mình. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, bởi với nhiều nông dân không có nhiều dịp ra khỏi địa phương và càng có ít cơ hội được đi du lịch đó đây. Nay nhờ có đại lý họ được đi thăm thú, được học hỏi, được phục vụ như những “thượng đế” đúng nghĩa. Dĩ nhiên, điều đó không chỉ có lợi cho đại lý, cho doanh nghiệp khi càng gắn kết với nông dân hơn và chính nông dân cũng được hưởng lợi. Bởi qua những dịp như thế, họ có điều kiện học tập kinh nghiệm ở nơi khác, từ đó có thêm cơ hội để tiếp tục phát triển hoạt động nuôi tôm của mình. Và khi người nông dân mở rộng sản xuất, đại lý có thêm cơ hội tăng doanh thu.

Khi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đúng với nhu cầu, phù hợp với mong muốn của khách hàng, bản thân khách hàng cũng nên cảm ơn doanh nghiệp. Trong quan hệ này, xét về lợi ích đôi bên cùng có lợi, sao chỉ có doanh nghiệp cảm ơn khách hàng mà không có chiều ngược lại? Đương nhiên, không thể nói “không mua chỗ này tôi mua chỗ khác”, vì bề nào “không mợ chợ vẫn đông”. Do đó, khi đôi bên cùng thấy thỏa mãn các nhu cầu của mình nên cảm ơn lẫn nhau để cùng nhau xây dựng mối quan hệ gắn bó. Điều này không chỉ có lợi cho những người trong cuộc, còn có lợi chung cho nền kinh tế.

Nhìn rộng ra toàn xã hội, có lẽ nên xây dựng nếp sống, thói quen cảm ơn. Thời gian qua, đối với các cán bộ, công chức, đã có quy định “4 xin”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Cảm ơn trở thành lời nói bắt buộc khi thực hiện các hành vi công vụ và trở thành một trong những biểu hiện của đạo đức công vụ, bên cạnh các hành vi khác. Hay trong gia đình, người lớn hầu như đều dạy con cháu mình phải cảm ơn khi được tặng quà, được giúp đỡ. Lời cảm ơn cũng trở thành một trong những đặc điểm thể hiện sự lễ phép, lịch sự của một người. Do đó, nói lời cảm ơn thực sự là biểu hiện của cách ứng xử văn hóa, của nếp sống văn minh.

Cha ông ta đã đúc kết: “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”… để nhắc nhở mọi người biết ghi ơn người đã có công, có đóng góp đến bản thân mình, dù trực tiếp hay gián tiếp. Biết ơn là một trong những biểu hiện đạo đức làm người của dân tộc ta. Phê phán sự vô ơn, ông cha ta có câu: “Ăn cháo đá bát”, “Qua cầu rút ván”… Tri ân đương nhiên không chỉ qua lời cảm ơn, còn qua những hành động cụ thể, càng thiết thực càng tốt.

Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập, khi giao tiếp với người nước ngoài, chúng ta thường xuyên nghe họ nói lời cảm ơn, dù không nhất thiết qua sự giúp đỡ gì cụ thể mà cả trong ứng xử bình thường. Thí dụ, một người hỏi đường, người kia trả lời “không biết” nhưng vẫn nhận được lời cảm ơn. Tiếng cảm ơn đây vừa thể hiện sự lịch sự để kết thúc giao tiếp vừa là lời cảm ơn cho sự phản hồi trước đó, tức là “cảm ơn” cho lời đáp “không biết” ở trên. Điều này chúng ta nên học.

Một xã hội mọi người biết cảm ơn lẫn nhau, về hình thức là xã hội văn hóa, văn minh trong sinh hoạt, trong ứng xử. Còn về bản chất, xã hội đó cho thấy các thành viên có gắn kết với nhau, bổ sung cho nhau, tác động qua lại với nhau theo hướng tích cực. Có nói tiếng cảm ơn nhau, mọi người trong cộng đồng, xã hội sẽ không là những củ khoai tây rời rạc trong bao khoai tây, như cách diễn đạt của Engels khi nhìn nhận về nông dân Pháp. Do đó, trong đời sống, chúng ta nên nói nhiều lần câu cảm ơn, để tác động đến các hoạt động kinh tế, để rồi chúng ta sẽ có nền kinh tế cảm ơn, xã hội cảm ơn!

Các tin khác