Hành khách làm thủ tục tại Sân bay Vân Đồn
Hành khách trên chuyến bay chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa.
Do Mỹ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines nên để thực hiện chuyến bay này, hãng hàng không và các đơn vị liên quan phải mất nhiều thời gian để xin cấp phép bay với nhiều thủ tục phức tạp.
Đây là đường bay có tổng chiều dài hành trình hơn 25.000 km nên chuyến bay được khai thác bằng máy bay hiện đại nhất của Vietnam Airlines hiện nay là Boeing 787-10.
So với tổ bay của một chuyến bay chặng dài thường lệ là 14 đến 16 người, chuyến bay VN1 huy động số lượng thành viên tổ bay gần gấp đôi, lên tới gần 30 người, gồm 8 phi công, 16 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật, 2 nhân viên mặt đất.
Toàn bộ hành trình khứ hồi từ lúc cất cánh tại Nội Bài, đến Mỹ và trở về Vân Đồn kéo dài hơn 33 tiếng đồng hồ. Quá trình phục vụ từ mặt đất đến trên không được tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn bay. Tổ bay được trang bị bảo hộ y tế toàn thân, hạn chế di chuyển, giao tiếp trong quá trình phục vụ.
Tất cả hành khách được đo thân nhiệt trước khi lên máy bay, mỗi hành khách được Vietnam Airlines cung cấp 2 khẩu trang kháng khuẩn để sử dụng trong suốt hành trình. Sau khi chuyến bay từ Mỹ hạ cánh tại Vân Đồn, các hành khách được đưa đi cách ly tập trung theo quy định, còn máy bay được vệ sinh, khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước đã tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt từ Pháp, UAE, Canada, Anh, Italy, Nhật Bản… về nước.
Thời gian tới, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, năng lực cách ly tại các địa phương trong nước và diễn biến của dịch bệnh, các cơ quan chức năng và các hãng hàng không sẽ tiếp tục triển khai các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam về nước.